Nữ sinh “vượt bóng tối” để trở thành thủ khoa

12:40 06/11/2019
Cô gái trẻ Nguyễn Thị Hồng dù đôi mắt không nhìn thấy, dù phải học muộn tới 9 năm so với bạn bè nhưng vẫn xuất sắc trở thành một trong hai thủ khoa của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội.

“Khóc mà không thể thay đổi được điều gì thì tại sao không cười?”, câu nói của một người bị liệt toàn thân khiến Hồng đã bước tiếp. Bằng tất cả sự quyết tâm, nghị lực phi thường, cô gái trẻ Nguyễn Thị Hồng (Thanh Trì, Hà Nội) – dù đôi mắt không nhìn thấy, dù phải học muộn tới 9 năm so với bạn bè nhưng vẫn xuất sắc trở thành một trong hai thủ khoa của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội.

Khóc mà không thay đổi được thì nên cười!

Hồng vốn không phải là người khiếm thị bẩm sinh. Tuổi thơ của em luôn tràn ngập tiếng cười khi mà em là niềm tự hào của cả gia đình với thành tích học tập đáng nể. Thế nhưng, chỉ một cú ngã khiến cô bé 14 tuổi bị vỡ nhãn cầu. 

Hồng không thấy mình đau đớn, cảm giác duy nhất lúc đó là đôi mắt cứ mờ dần. Bố mẹ hoảng sợ đưa Hồng đến bệnh viện nhưng họ nhận tin sét đánh từ các bác sĩ, cả hai mắt của con đã hỏng. Bố mẹ đau đớn là thế nhưng họ vẫn phải nuốt nước mắt, động viên con gái cố gắng để vượt qua giai đoạn khó khăn. 

Họ đã bật khóc, như cắt từng khúc ruột khi cô con gái ngây thơ hỏi, thế này ngày mai con sẽ không đi học được ạ? Con không xem được tivi và đọc truyện nữa ạ? Mẹ Hồng nhớ lại: “Thực sự lúc đó chúng tôi không muốn tin đó là sự thực, cháu đang tuổi ăn tuổi lớn, tương lai chờ đợi phía trước. Dù đau đớn lắm nhưng vẫn phải động viên cháu, sợ cháu không vượt qua được”.

Hồng trong buổi khen tặng thủ khoa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Người đời bắt đầu có những ánh mắt khác về em, họ tò mò theo dõi cô gái ấy đi đứng ra sao, làm gì. Họ xì xào mỗi lần Hồng đi qua. Và thế là tâm hồn non nớt ấy bắt đầu thấy sợ, thu mình lại. Suốt 3 năm đầu, hầu như Hồng không dám bước chân ra khỏi nhà. Thế giới vốn chật chội ấy giờ lại càng thu nhỏ lại với bốn bức tường. 

Không bạn bè, không ánh sáng, mọi sự hiểu biết của Hồng chỉ qua một chiếc đài radio. Một lần tình cờ, cô gái trẻ nghe được trên đài câu chuyện về một người bị liệt toàn thân, chỉ có đầu và một chân cử động được. 

Thiệt thòi là thế nhưng người đàn ông ấy vẫn ngồi xe lăn, đi bán vé số dạo và cười nói, hát ca như thể không hề thiệt thòi. Khi được hỏi tại sao có thể luôn vui vẻ như thế, người đàn ông tật nguyền trả lời: “Nếu như tôi khóc mà có thể tốt hơn thì tôi sẽ khóc. Còn nếu tôi khóc mà không thể thay đổi được điều gì thì tại sao tôi không cười”.

Nghe được câu nói ấy, Hồng như cởi tấm lòng, sức mạnh của cô gái khiếm thị như được đánh thức mạnh mẽ. Hồng kể lại: “Mình chỉ bị hỏng mắt thôi nhưng vẫn còn tay, còn chân. Tuy hơi khó khăn nhưng mình vẫn may mắn hơn rất nhiều người. Cho nên, mình không việc gì phải buồn cả, chính từ câu chuyện của người đàn ông đó mình đã nghĩ luôn đến việc đi học, chỉ có đi học mới thay đổi được cuộc đời mình, lấy được “ánh sáng” đã mất lâu nay”.

Sau câu chuyện của một người đàn ông tật nguyền, Hồng như cởi bỏ được sự tự ti để vươn lên mạnh mẽ.

Khi tư tưởng được thông suốt, Hồng trở nên lạc quan hơn. Thế nhưng cô gái mới lớn ấy vẫn chưa tìm được hướng đi đúng đắn cho đời mình, bởi “xung quanh mình không ai bị như thế và bản thân chưa từng được tiếp xúc với người khiếm thị”.

Một lần khác, trong lúc nghe đài, Hồng được nghe câu chuyện của những học sinh khiếm thị ở Trường Nguyễn Đình Chiểu. Đó cũng là lần đầu tiên Hồng biết đến những người có hoàn cảnh như mình. Họ vẫn làm việc, học tập, học âm nhạc, tiếng Anh, chơi cờ vua… chẳng kém gì người bình thường. 

“Khi ấy em mới biết, trên đời này không chỉ có mình mình bị khiếm thị. Em đã xin mẹ cho đi học. Ông bà phản đối kịch liệt việc đi học của em ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Ông có nói với mẹ em: “Con bị như thế mà lại đem đi vứt bỏ. Không ai vứt bỏ nó cả” – Hồng chia sẻ.

Nhưng rồi Hồng vẫn quyết tâm phải thuyết phục gia đình cho đi học bằng mọi giá. Thấy con quyết tâm, bố mẹ buộc lòng phải bàn nhau đi tìm trường cho con. Thời điểm ấy, trường Nguyễn Đình Chiểu chỉ nhận muộn nhất là 16 tuổi, nhưng Hồng khi ấy đã 20. 

“Thực sự em rất buồn, nhưng vẫn quyết tâm vì mình đã 20 tuổi mà chưa giúp gì được bố mẹ cả. Em đã nhờ bố mẹ xin vào Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố để học những ngày cuối tuần. Trong tuần, em đi xoa bóp, bấm huyệt. Mỗi tháng nhận được 600.000 đồng. Số tiền này tuy nhỏ nhưng vẫn đủ để nuôi sống bản thân” – Hồng rưng rưng kể lại.

Dù thiệt thòi so với bạn bè nhưng cô sinh viên khiếm thị đạt được thành tích đáng nể.

Ai cũng có cách tỏa sáng riêng của mình

Cô gái khiếm thị giàu nghị lực cuối cùng cũng hoàn thành chương trình lớp 12. Chưa dừng lại ở đó, Hồng đã nộp hồ sơ đăng ký xét ưu tiên vào ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Với thành tích học tập tốt, hồ sơ của em đã được chấp nhận. 

Lên đại học, Hồng tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn lớn hơn. Chữ nổi ghi rất chậm, slide trôi nhanh khiến cô không thể ghi chép được bài. Mất khoảng nửa đầu học kỳ, Hồng cảm thấy chán nản và bất lực vì không có tài liệu. Cô sinh viên cứ “tay không bắt giặc” do không thể đọc được giáo trình. Những tưởng không thể tiếp tục, nhưng sau một kỳ đầu, Hồng cũng dần quen với phương pháp học tập mới ở bậc đại học. 

“Các bạn cũng dần quý mến em hơn, giúp đỡ nhiều hơn. Đặc biệt thầy cô cũng quen với việc trong lớp có một bạn khiếm thị. Không có tài liệu học tập em cố gắng chăm chú nghe giảng hơn, phần bài giảng được em ghi âm lại. 

Cô cũng ghi lại từ khoá trong các bài giảng, sau đó về nhà tìm kiếm giáo trình trên mạng. Việc tìm giáo trình cũng rất khó vì nếu tìm được nguyên bộ giáo trình như cô giảng dạy trên lớp là không có. Cách duy nhất mình có thể làm là tìm kiếm tư liệu cho từng bài học.

Ví dụ với môn Triết, học đến học thuyết nào mình sẽ lên mạng tìm kiếm tất cả các bài phân tích về những học thuyết ấy. Sau đó, mình dùng phần mềm đọc màn hình để nghe xem bài phân tích nào đúng góc độ mà cô giáo giảng rồi lấy đó là căn cứ để làm tài liệu sử dụng" - Hồng chia sẻ.

Cứ như thế, suốt trong những năm đại học, bằng những phương pháp đặc biệt này cô gái khiếm thị đã vượt qua tất cả các môn. Không những vượt qua các môn, Hồng còn làm được điều không tưởng là hoàn thành chương trình học chỉ mất 3,5 năm và đến giờ là danh hiệu thủ khoa Trường Đại học Khoa học Xã Hội & Nhân văn Hà Nội.

Giờ đây Hồng có thể tự tin giao tiếp với mọi người.

Hồng xúc động tâm sự với chúng tôi: “Hoá ra, ai rồi cũng có thể nỗ lực tỏa sáng theo cách riêng. Có những cơ thể không lành lặn nhưng vẫn đem lại điều đẹp đẽ cho cuộc đời”. Chính vì thế Hồng đã lựa chọn công tác xã hội. Cô gái khiếm thị ước mơ có thể làm thay đổi những suy nghĩ của người khiếm thị. Hồng đã từng làm cho một tổ chức phi chính phủ với vai trò dạy tiếng Anh cho người khiếm thị trên địa bàn Hà Nội. 

Từ công việc này, Hồng đã nhận ra nhiều điều, Hồng cho hay: “Mình không thích cách nhiều người tặng quà cho người khiếm thị nhưng lại tặng tranh ảnh hay những thứ không sử dụng được. Điều đó là lãng phí. 

Trong khi đó người khiếm thị có nhu cầu được giúp đỡ thông tin nhưng người ta lại không biết tìm sự giúp đỡ ấy đâu. Vì thế nên mình nghĩ, nếu mình là một nhân viên làm công tác xã hội, mình sẽ giúp họ có thể biết người khuyết tật cần những điều gì. 

Còn đối với các bạn khuyết tật, mình cũng nhận thấy một sự thật là nhiều người luôn ỉ lại sự giúp đỡ của người khác và nghĩ rằng mình có quyền được ưu tiên. Nếu có thể đổi lại, mình hi vọng bản thân sẽ là người đi cho chứ không mong là người được nhận".

Phía trước cô gái nhỏ nhắn ấy còn rất nhiều thử thách nhưng với sự nỗ lực kỳ diệu cùng sự lạc quan, Hồng chắc chắn sẽ làm được điều mình mong muốn. Chia tay chúng tôi, Hồng cười lạc quan nói: “Giai đoạn khó khăn nhất em đã vượt qua được rồi, những thứ chờ đợi ở phía trước không còn được gọi là thách thức nữa. Em sẽ vui, sẽ cười trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Phong Anh

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

Từng được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Trung Đông” nhờ sự phát triển thịnh vượng và đa dạng văn hóa nhưng hiện nay, Lebanon đang chìm sâu trong một giai đoạn đen tối. Những năm gần đây, đất nước này đã phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng chồng chất từ sự suy thoái kinh tế, chia rẽ chính trị, đến xung đột quân sự dữ dội với Israel. Tình hình hiện tại đã đưa Lebanon tới ngưỡng cửa sụp đổ hoàn toàn, đòi hỏi những nỗ lực không chỉ từ nội tại mà còn từ cộng đồng quốc tế để cứu vãn và tái thiết.

Trong bối cảnh cả Nga và Triều Tiên đều chịu áp lực nặng nề từ các lệnh trừng phạt quốc tế, hai quốc gia đã tìm thấy điểm tựa chiến lược để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Từ kinh tế, quân sự đến ngoại giao, mối quan hệ này không chỉ giúp họ đối phó với sự cô lập, mà còn góp phần tái định hình cục diện địa chính trị tại Đông Bắc Á.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文