Ông giáo già cả cuộc đời đi tìm chữ Việt cổ

11:05 24/05/2017
Hơn nửa thế kỉ nay, ông giáo ấy vẫn nuôi trong mình niềm đam mê và hy vọng tìm kiếm, giải mã những tinh hoa mà tổ tiên người Việt để lại. Vượt qua mọi khó khăn, ông theo đuổi niềm tin của mình rằng, từ cách đây hàng ngàn năm, người Việt đã có chữ viết…


Hành trình hơn 50 năm

Đó là câu chuyện về ông Đỗ Văn Xuyền, một nhà giáo sinh ra và lớn lên ở Thái Bình nhưng chuyển đến lập nghiệp tại Việt Trì từ những năm 60 của thế kỉ trước.

Từng là Hiệu trưởng Trường cấp II Khu công nghiệp Việt Trì, trong quá trình công tác, ông đã nhiều lần chứng kiến học trò của mình vô tình đào được từ trong lòng đất những đồ giống như rìu, dao, búa… bằng đá.

Sau khi tìm tòi nghiên cứu, ông bắt đầu suy nghĩ và trăn trở về một kho tàng văn hóa của người Việt cổ đã bị thời gian vùi lấp và có nguy cơ mai một. Và từ thời điểm đó, trái tim như mách bảo ông cần phải làm gì đó để góp nhặt, lưu giữ những tinh hoa của nền văn hóa cổ đại, đó là những văn tự của người xưa.

Khi ấy, bước chân vào con đường nghiên cứu, ông Xuyền vẫn như đang mò mẫm trong bóng tối. Ông bắt đầu với những tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước về các di tích khảo cổ để đối chiếu, so sánh.

Năm 1989, khi đến xóm Quế, thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, TP Việt Trì, ông thấy một ngôi miếu đổ nát mà người dân gọi là Thiên cổ miếu, cửa miếu có hai cây táu lớn.

Điều đặc biệt ở chỗ, tuy có 2 cây nhưng lại hai màu hoa khác biệt, một cây nở hoa màu vàng và một cây nở hoa màu bạc.

Trong quá trình nghiên cứu, ông còn biết thêm nhiều thông tin về Thiên cổ miếu và biết được tin người dân còn đào được ở đây một thanh kiếm đồng, một cái bát đồng có ghi chữ lạ. Trong tâm trí ông đã ấp ủ những dự định rằng sau này có điều kiện sẽ giải mã nó.

Lần khác, đến Đồi Giàm, ông cũng tìm thấy nhiều đồ đá, trong đó có cây rìu đá cũng chạm kiểu chữ ở Thiên cổ miếu.

Về nhà, ông đi tìm cuốn "Ngọc phả" soạn từ thế kỷ XVI có đoạn viết: Miếu thờ thầy giáo Vũ Thê Lang (quê huyện Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương) và vợ là Nguyễn Thị Thục (quê ở huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc cũ) lên đây dạy học từ thời vua Hùng thứ XVIII. Hai người cùng mất ngày 2-2 năm 288 trước Công nguyên, được táng trong miếu.

Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền tại buổi ra mắt sách.

Qua nghiên cứu sách sử, ông ghép nối những câu chuyện cổ tích, dân gian và đến tận nơi tìm hiểu. Ông còn được biết thêm nhiều thầy giáo khác từ thời vua Hùng, An Dương Vương, Hai Bà Trưng như: thầy Nguyễn Cần Công, Nguyễn Công Ứng từ chùa Hương về Việt Trì dạy học; Hoàng Trụ làng Bồng Lai, huyện Từ Liêm, con công chúa Mỵ Châu theo học thầy Lỗ Công…

Ở thời Hai Bà Trưng các tướng lĩnh đều được học hành đến nơi đến chốn như: Lê Anh Tuấn, Lê Ả Lan ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây; tả tướng Phật Nguyệt, nữ tướng Lê Chân, nữ tướng Thiều Hoa…

Bằng các dữ kiện nói trên, ông Xuyền tiếp tục đi tìm bí ẩn của chữ Việt cổ và sau hơn 50 năm, ông đã tìm thấy được hàng vạn con chữ.

Trong số đó, đáng chú ý nhất là bộ chữ có 17 kí tự, gọi là "hỏa tự" vì giống như ngọn lửa cháy của Vương Duy Trinh viết trong "Thanh Hóa quan phong" in năm 1903, ông cho rằng đây là chữ Việt cổ còn sót lại ở Tây Bắc.

Vương Duy Trinh viết: "Vì thập châu (vùng Tây Bắc) là nơi biên viễn (biên giới xa) nên dân ta còn lưu giữ được thức chữ ấy. Các nơi khác, Sĩ Nhiếp bắt bỏ hết để học Hán tự".

Ông Xuyền đã tìm thấy bộ chữ Thái thổ tự được Phạm Thận Duật phát hiện năm 1855 cũng ở vùng Tây Bắc và khẳng định, sự ghi chép, suy luận đầy vô lý khi học giả này gọi đó là chữ của người Thái.

Ông phân tích: Chữ người Thái nhưng lại không ghi được những từ về gia đình, nhân luận của họ… Như vậy không phải là chữ Thái. Ông giải thích, dân tộc ta có nhiều đời bị đô hộ, chữ viết luôn bị xóa bỏ, dân ta đã lưu giữ truyền đời bằng những tín hiệu bí mật, ngụy trang. Và Phạm Thận Duật đã dùng cách nói khéo đó để gửi gắm, cất giấu tinh hoa của tổ tiên mình.

Những công trình nghiên cứu được dán khắp nhà.

Bên cạnh đó, ông còn căn cứ vào kết quả khai quật của nhà nghiên cứu người Pháp Cô-la-ni năm 1923 khi nghiên cứu về nền văn hóa Hòa Bình đã tìm được hai chiếc đĩa gốm nhỏ ở chân núi Lam Gan khắc hai chữ có hình dáng như chữ Sĩ, chữ Thượng của Trung Quốc nhưng lại có tuổi hàng năm trước Công nguyên, khi chưa có chữ Hán.

Tinh hoa người Việt cổ

Trong hành trình đi tìm tinh hoa của người Việt cổ, ông Xuyền đã đặt chân lên nhiều vùng đất, trong đó có những thôn quê xa xôi. Và trong một lần đến ngôi miếu trên địa bàn huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), nơi đây đang thờ 4 người con của Lạc Long Quân, ông tìm thấy bản "Ngọc phả" thời Trần Thái Tông, vào loại cổ nhất hiện nay.

Tủ tài liệu nghiên cứu trong nhà ông Xuyền.

"Ngọc phả" viết: "Nghiêu thế, Việt thường thị hiến thiên tuế thần quy, bố hữu khoa đẩu…". Câu này có nghĩa là thời Vua Nghiêu, người Việt hiến rùa thần, trên lưng có chữ khoa đẩu, chính điều này đã tiếp thêm cho ông sức mạnh, niềm tin trên hành trình của mình.

Kết quả của hành trình dài nửa thế kỉ ấy của ông Xuyền là vào ngày 29-1-2013, tại Hà Nội, cuốn sách "Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ" của ông Xuyền được Nhà xuất bản Hồng Đức phối hợp với Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tổ chức Lễ ra mắt và phát hành.

Cuốn sách đánh dấu hành trình 50 năm kiên trì, bền bỉ, với cái tâm trong sáng và niềm tự hào về văn hóa Việt của ông giáo già.

Ông Xuyền đã đi tới đích trong cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ với hướng đi riêng không giống với hướng đi của các bậc tiền bối, đó là trở về với nhân dân. Bởi ông nhận biết được vai trò quan trọng của nhân dân trong việc lưu giữ và bảo tồn những di tích lịch sử của tổ tiên.

Ông đã phải đã lặn lội đi đến rất nhiều miền quê để ghi lại lời nói của người dân địa phương rồi làm một công việc thầm lặng liệt kê, đối chiếu so sánh, suy luận, lý giải bằng ô chữ cổ.

Trên cơ sở các tiêu chí khoa học đã được xác định đó, ông Đỗ Văn Xuyền đã chứng minh đặc điểm của bộ ký tự chữ Việt cổ là không có dấu.

Dấu tích những nơi thờ thầy giáo, học sinh được đánh dấu.

Theo công trình của nhà nghiên cứu người Pháp Haudricourt và qua khảo sát một số bộ tộc Việt cho thấy: Trước Công nguyên, người Việt nói không dấu, do không có dấu nên bộ chữ Khoa Đẩu phải dùng tới hai loại phụ âm: phụ âm cao và thấp để thể hiện các từ khác nhau. Bộ chữ có đầy đủ số lượng nguyên âm, phụ âm cơ bản như chữ Quốc ngữ. Những nét độc đáo trong bộ chữ chỉ có thể giải thích bằng ngôn ngữ Việt. Cách phát  âm của bộ ký tự này hết sức đơn giản như cách nói của những người dân quê cổ. Các phụ âm khóa đuôi dùng chung…

Cũng theo ông Xuyền, từ hàng nghìn năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đều khẳng định: Việt Nam có chữ viết từ rất sớm. Các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài đã xác nhận: "Ngay từ trước công nguyên, người Việt đã có chữ tượng thanh - loại chữ ghép chữ cái thành từ".

Điều này được thể hiện trên các di chỉ khảo cổ đồ gốm, đồ đồng của thời kỳ Đông Sơn như: lưỡi cày, đặc biệt là trống đồng… cùng các hình vẽ chữ viết trên đá cổ Sa Pa, Xín Mần, Pá Màng… theo một hệ thống nhất quán, tất cả đều thể hiện đó là những chữ viết cổ từ thời kỳ tiền văn tự, phát triển và hoàn thiện dần thành bộ chữ "Khoa Đẩu".

Và để có được những kết quả nghiên cứu sau hơn nửa thế kỉ và cho ra đời cuốn sách, ông Xuyền đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Đã có lúc, ông sẵn sàng đem cả sổ hưu đi thế chấp để vay tiền làm nghiên cứu và cứ nghe tin ở đâu phát hiện, khai quật ra cổ vật có khắc chữ là ông lại vội vã lên đường. Có những lúc ông cũng gặp phải sự phản đối của gia đình, nhưng điều đó không làm vơi đi được niềm tin của ông giáo về một nền văn minh và tinh hoa văn hóa của người Việt cổ.

Giờ đây, nhà giáo, nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền đã đi gần đến đích của cuộc đời. Thế nhưng, những nghiên cứu của ông vẫn còn đó, chờ những người phía sau tiếp tục cuộc hành trình ngược dòng lịch sử để chữ Việt cổ được tái hiện và được công nhận rộng rãi hơn nữa.

Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền sinh ngày 10-7-1937 tại làng Duyên Hà, xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, Thái Bình. Năm 1951-1956, ông đi học và hoạt động bí mật trong lòng địch ở Hà Nội và Hải Phòng. Năm 1955 làm liên lạc giữa Trung ương và các nhà cách mạng miền Nam tại nhà tù Hải Phòng. Bí danh là Bảo Châu. Bút danh: Khánh Hoài. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội và trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1981.

Năm 1956-1987, ông Đỗ Văn Xuyền dạy học và làm Hiệu trưởng nhiều trường phổ thông ở Vĩnh Phú. Từ năm 1984-1998, ông làm Giám đốc Nhà Văn hóa Việt Trì. Đến năm 1998, ông làm Chủ tịch Chi hội Văn nghệ Việt Trì, Trưởng ban Văn hóa - xã hội và Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em thành phố Việt Trì.

An Vũ

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文