Từ tướng cướp thành trưởng thôn

16:07 13/11/2011

Thật khó để tin một tướng cướp, từng vào tù ra tội đến ba lần lại được dân tín nhiệm làm… trưởng thôn. Nhưng rồi gặp Nguyễn Thành Hưng (Phù Khê - Từ Sơn - Bắc Ninh), nghe dân làng nhắc đến ông đầy trìu mến, chúng tôi hiểu rằng việc cả làng tin yêu cử ông làm đại diện cho dân không phải là việc của ngày một ngày hai.

Người Phù Khê Thượng tự hào khi có ông Hưng làm trưởng thôn, họ sẵn sàng xắn "tấc đất tấc vàng" nhà mình ra để ông làm đường làng ngõ xóm… tất cả chỉ vì một lý do: họ cảm cái thiên lương trong con người Hưng "Sóc", cho dù ông đã hơn hai mươi năm trời "ăn cơm tù, mặc áo số".

Tướng cướp "Chọc trời khuấy nước…"

Ở tuổi 58, Nguyễn Thành Hưng vẫn nhanh nhẹn, linh hoạt trong từng ánh mắt, cử chỉ. Sinh ra trong một gia đình trí thức nghèo khó giữa ngôi làng cũng… nghèo, Nguyễn Thành Hưng thông minh, lanh lẹ, trội hơn hẳn những đứa bạn cùng trang lứa, cái tên Hưng "Sóc" mà người làng gọi cậu là vì thế. Gia đình nghèo khó nhưng bố mẹ vẫn chắt chiu nuôi Hưng ăn học, hết lớp 9 (hệ 10 năm) Hưng "Sóc" lên thị xã học trung cấp Sư phạm. Không ai ngờ ngã rẽ cuộc đời Nguyễn Thành Hưng lại bắt đầu từ đây.

Thị xã Từ Sơn khi ấy bé nhỏ song vẫn là nơi phồn hoa đô hội so với đất Phù Khê đói nghèo, lớp học của Hưng phần nhiều là những bạn con nhà khá giả, giàu có. Lúc này Hưng mới trăn trở nghĩ về phận nghèo, cùng làm người, cùng học hành tử tế nhưng lớp học của Hưng có những bạn ăn trắng mặc trơn, tiêu tiền như nước, lại có những bạn quần rách áo vá ôm bụng đói đến lớp.

"Cùng làm người mà sao người ta mặc quần áo đẹp, đi giày xịn, còn mình và nhiều bạn khác thì ngược lại?". Suy nghĩ ấy cứ bám riết lấy Hưng, đến một ngày trở thành hành động. Vốn thông minh, nhanh nhẹn, sống có nghĩa khí nên Hưng "Sóc" nhanh chóng tụ họp được anh em cả trong và ngoài tỉnh, rồi Hưng bỏ học để chỉ đạo đàn em tiến hành những cuộc trộm cắp. Những vụ Hưng "Sóc" chỉ đạo anh em, mọi việc đều đâu vào đấy, cái tên Hưng "Sóc" nhanh chóng nổi trong giới giang hồ khắp xứ Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang), lan sang tận Thái Nguyên, Hải Phòng…

Trưởng thôn Nguyễn Thành Hưng với công việc thường ngày.

Nhưng rồi những việc làm dù khéo léo, trót lọt đến mấy mà phạm pháp thì sớm muộn cũng không thoát khỏi lưới pháp luật. Năm 1973, Nguyễn Thành Hưng bị TAND quận Hoàn Kiếm - Hà Nội xử 18 tháng tù vì tội trộm cắp tài sản. Băng nhóm của Hưng như rắn mất đầu, lại quen ăn chơi, lười lao động nên ngay sau khi Hưng "Sóc" mãn hạn tù, tất cả ùn ùn kéo đến xin ông tiếp tục đứng ra cầm đầu anh em.

Nguyễn Thành Hưng lúc này đã về quê làm anh thợ đóng gạch, thấy anh em kéo đến nài nỉ, nhìn gia cảnh họ phần lớn là đói nghèo, ông lại bỏ đất sét, bỏ lò gạch tiếp tục tổ chức những cuộc trộm cắp cho anh em. Ông liên tục rít thuốc lào, nhớ lại thời quá vãng: "Đi đến đâu chúng nó cũng nể phục vì cách tổ chức trộm cắp của tôi khác hẳn cách chúng vẫn làm, đã làm là được nên chúng càng nể, và tôi thì thêm lún sâu vào con đường tội lỗi".

Hai năm sau, Hưng "Sóc" lại sa lưới pháp luật vẫn vì tội trộm cắp tài sản, lần này Hưng bị TAND tỉnh Hà Bắc (cũ) kết án 10 năm tù (mức án nặng thứ hai cho tội trộm cắp tài sản lúc bấy giờ). Lại thêm một lần băng nhóm của Hưng lao đao, mất đi người cầm đầu thông minh, nhanh nhẹn, cánh đàn em cũng lần lượt theo đại ca Hưng "Sóc" đi bóc lịch; nhóm còn lại thì chui lủi không dám xuất đầu lộ diện.

Mãn hạn tù, đám đàn em đang vất vưởng lại kéo đến nhờ cậy Hưng "Sóc"; "lại thương chúng nó trốn chui trốn nhủi vì bị truy nã, đói khát đầu đường xó chợ, tôi mủi lòng" - ông Hưng mơ màng vẫn trong khói thuốc lào nghi ngút - "Tôi liên tục tổ chức những vụ trộm cắp để nuôi đám đàn em và gia đình đói nghèo của chúng nó. Nhưng chỉ một năm sau, tôi lại bị bắt, lại thêm một cái án 10 năm".

Trở về trong yêu thương

Đám đàn em ngày trước nay cũng đã được ông hướng về đường ngay nẻo chính. Ông vẫn gọi họ lên: "Các anh nhìn tôi già thế này còn phải nai lưng ra mà lao động, các anh còn trẻ khỏe mà lại cứ ăn chơi mãi, thiếu vốn thì tôi cho mượn vốn sắm cái công nông mà kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con. Tôi thương người thật nhưng không phải lúc nào cũng đứng ở ngoài đường để chở hết những người đi bộ được". Với những người đàn em ăn nên làm ra, giàu có lẫy lừng, ông nhắc khéo: "Định mua bộ sập đắt và đẹp thế cơ à, sập đẹp cũng quý đấy nhưng chưa quý bằng hành động đẹp đâu".

Hiện tại, Nguyễn Thành Hưng là người làm ăn khấm khá ở làng Phù Khê. Song những ngày đầu quay về với cuộc sống, Hưng cũng gặp nhiều lao đao. Sau lần ra tù thứ nhất, đầu năm 1974 Hưng cũng đã lấy vợ, đã từng chăm chỉ, cặm cụi đóng gạch, nhưng bữa nay lo bữa mai, đầu tắt mặt tối mà vẫn đói nghèo; không thể chịu được cái đói lay lắt, Hưng vào tù lần thứ hai cũng là lúc cuộc hôn nhân tan vỡ.

Từ cuộc sống tù tội trở về với đời thường lần thứ ba thì bố mẹ đã mất, anh chị em vẫn sống trong cảnh nghèo khổ như bao nhiêu năm trước, bản thân thì đã ở cái ngưỡng bên kia cuộc đời. Hai mươi ba năm ăn cơm tù mặc áo số, tự chôn vùi thời trai trẻ trong bốn bức tường của nhà giam, sức cùng lực kiệt, Hưng "Sóc" bắt đầu suy nghĩ, bắt đầu ăn năn hối hận về quãng đời nông nổi quá dài của mình. Nguyễn Thành Hưng quyết tâm làm giàu bằng chính sức lực của mình, quyết tâm giúp những người anh em, dân làng nghèo khó bằng đồng tiền ngay thẳng.

Cùng với niềm vui của "lòng thiện" hướng về đường ngay nẻo chính, tháng 5/1995, ông xây dựng gia đình với bà Hoàng Thị Hà, một người phụ nữ đảm đang, mỏng mày hay hạt, biết ông từ ngày ông còn học trường làng. Niềm tin và tình yêu thương của người phụ nữ nhân hậu ấy càng tiếp thêm sức mạnh để Nguyễn Thành Hưng trở về với cuộc sống.

Anh em trong họ mở rộng vòng tay, kéo Hưng đi buôn gỗ, việc làm ăn bắt đầu có lãi thì hợp đồng vỡ, gia đình lại rơi vào khánh kiệt, đám đàn em không bỏ lỡ hoàn cảnh lúc này, chúng kéo đến "dụ dỗ" ông quay lại giang hồ, chỉ đạo anh em. Đã quá thấm thía cuộc sống vào tù ra tội mà nghèo vẫn hoàn nghèo, Hưng "Sóc" dứt khoát đoạn tuyệt với con đường lầm lỡ quá dài ấy, ông quyết tâm viết lại cuộc đời.

Là tướng cướp giang hồ, song Hưng "Sóc" là đại ca đặc biệt nhất mà chúng tôi từng biết, Hưng chỉ lên kế hoạch trộm cướp của những gia đình giàu nứt đố đổ vách, còn những nhà nghèo, có chút của nả gọi là giá trị để ngay trước mắt cũng không bao giờ Hưng cho phép đàn em được động đến.

Ngay từ khi lãnh đạo anh em tiến hành các vụ cướp nổi tiếng lúc bấy giờ, Nguyễn Thành Hưng đã có cách đối nhân xử thế khiến nhiều người phải nể phục. Một lần trong đám đàn em của Hưng có người làm mất chiếc xe đạp (do trộm cắp được), mà thời đó, xe đạp còn quý giá hơn xe máy, ô tô bây giờ, nhưng Hưng "Sóc" không mắng mỏ hay trừng phạt. Một lần khác, anh em kéo nhau vào quán phở, vẫn người làm mất xe đạp ấy đã to tiếng hống hách với chủ quán; về đến "đại bản doanh", Hưng "Sóc" cho gọi người này lên và giáng một cái tát thẳng tay rất mạnh. Tất cả anh em đều không hiểu là chuyện gì, lúc ấy đại ca Hưng "Sóc" mới nói rõ, cái tát là để lần sau chừa thói ăn nói quàng xiên, bỗ bã, vô lối như khi ở… quán phở.

Cướp đường cướp chợ ở đâu thì cướp, nhưng hễ nghe nói trong đám đàn em của mình có đứa cư xử không ra gì với vợ con là Hưng "chỉnh" cho đến nơi đến chốn. "Tất cả những đứa bướng nhất, đầu gấu nhất cũng đều phải hướng về lẽ sống chuẩn mực của con cái, của người chồng, người cha. Những người đã nhận là đàn em của tôi đều phải gò mình vào khuôn khổ, chỉ một câu nói mất danh dự, vô học thôi là tôi cũng không bỏ qua đâu. Mình trộm cướp thật nhưng đừng đem lối hành xử trộm cướp vào cuộc sống thường ngày".

Chính lối cư xử chuẩn mực, chân tình nhưng nghiêm khắc và có trí tuệ ấy mà đàn em không ai không nể phục đại ca Hưng "Sóc", cả khi ông còn cầm đầu anh em, cả khi ông đã rửa tay gác kiếm. Trong lúc gia đình rơi vào khánh kiệt do lần buôn bán gỗ bất thành thì một ông chủ thành đạt lặn lội từ nơi xa mang đến cho ông 100 triệu để khởi nghiệp lại (năm 1999). Ông chủ thành đạt ấy khi xưa từng là đàn em, từng chịu ơn cứu mạng và nể trọng nhân cách đại ca Hưng "Sóc". Có vốn, ông mở một hàng tạp hóa cho bà Hà buôn bán, còn mình lại tiếp tục đi buôn gỗ. Đến lúc này, khi đã bước gần đến tuổi năm mươi, nhìn vợ con quây quần bên mâm cơm, Nguyễn Thành Hưng mới thấy mình sống có ý nghĩa

Sơn Nam Thượng

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文