"Tỷ phú không tay" làm giàu trên đất Hải Dương
Từ mảnh đất cộc cằn sỏi đá của gia đình, người đàn ông bị mất hai tay, một chân này đã biến nó thành "đất vàng", giúp anh trở thành một đại gia chốn rừng xanh…
Tai nạn thảm khốc
Vợ chồng bà Dụ kể về cậu con trai tật nguyền. |
Như mọi ngày, cả nhóm bạn rủ nhau chơi trốn tìm thì nhặt được một vật lạ. Trí tò mò của những đứa trẻ đã gây nên hậu quả nghiêm trọng khi một người lấy đá ghè vào vật lạ đó. Một tiếng nổ ầm trời khiến ngọn đồi rung lên, áp lực từ vật lạ kia thổi bay những đứa trẻ đứng xung quanh.
Vụ nổ khiến ba người bạn đi cùng đều thiệt mạng, chỉ duy nhất anh Tuấn còn sống sót nhưng đã mất hai tay và một chân. Sau này, người ta mới biết, vật lạ gây ra nỗi đau cho bao gia đình và cho đứa trẻ còn sống sót ấy là một quả bom bi.
"Hôm ấy, khi hai vợ chồng tôi đang làm đồng thì nghe thấy tiếng nổ lớn. Cũng nghĩ là có bom còn sót lại từ thời chiến tranh nổ, nhưng cho đến khi có người biết chuyện chạy đến báo, biết là con mình thì hai vợ chồng như chết đứng", bà Dụ kể lại.
Sau nhiều ngày hôn mê, anh Tuấn tỉnh lại trong bệnh viện, nhưng đồng hành với anh không phải những người bạn nữa mà là sự đau đớn, trống trải khi thiếu mất những bộ phận quan trọng của cơ thể. Lúc đó, cơn đau từ những vết thương đày đọa đứa trẻ 12 tuổi đến nỗi nhiều người rơi nước mắt nghĩ rằng cái chết có khi lại nhẹ nhàng hơn.
Nhớ lại những ngày tháng đau khổ ấy, anh Tuấn cho biết: "Với một người tàn tật như tôi thì chỉ làm khổ cho người khác. Có những tháng ngày tôi cũng suy nghĩ rằng, thà mình chết đi trong vụ tai nạn cho rảnh nợ…".
Những ngày đầu tiên sống cuộc sống của một người tàn tật, phải nhận sự quan tâm chăm sóc của người khác, đứa bé 12 tuổi như rơi vào khủng hoảng, trầm cảm, không kiểm soát được cảm xúc.
Thật dễ hiểu khi ở cái tuổi lẽ ra được chơi đùa, chạy nhảy cùng bạn bè thì anh Tuấn lại phải nằm liệt giường. Mặc cảm với bản thân, với bạn bè, với những người trong gia đình, thật không thể kể hết nỗi khổ mà anh phải chịu khi sống qua những năm tháng tuổi thơ.
Có lẽ, điều khiến một đứa trẻ vừa gặp cú sốc có thể vực dậy được đó chính là nhờ tình thương của gia đình. Mỗi lần nhìn thấy bố mẹ rơi nước mắt vì thương con, tay bón từng thìa cháo, thay rửa vết thương… đã tiếp thêm động lực sống cho anh.
Sau khi đã vực dậy được tinh thần, anh Tuấn liền suy nghĩ đến cuộc sống mới của mình sẽ bắt đầu ra sao. Cuộc sống của anh lại như một đứa trẻ sơ sinh vừa ra đời, làm quen dần với việc tập lật mình, tập ngồi, tập đứng, tập đi…
Nằm trên giường, anh Tuấn dùng hết sức lật nghiêng người lại, các vết thương trên người khi đó lại đau nhói, có những chỗ còn rớm máu khi anh vật vã chà người xuống giường.
Anh Tuấn có thể làm nhiều việc nặng. |
Thương con, bố mẹ anh hết sức vỗ về, chỉ mong anh mau chóng khỏe. Nhờ sự chăm sóc tận tâm ấy của bố mẹ, anh Tuấn dần bình phục rồi lững chững tập đi. Nhảy lò cò rồi ngã, rồi lại nhảy, lại ngã nhưng chưa bao giờ anh Tuấn bỏ cuộc dẫu cho nỗi đau luôn giày vò cơ thể.
Ba năm sau tai nạn thảm khốc, anh Tuấn đã có thể đi lại được với sự hỗ trợ của cây nạng gỗ mà bố mua cho. Sau khi quay trở lại tiếp xúc với mọi người, tinh thần và sức khoẻ của anh Tuấn cũng tốt lên theo, vơi bớt đi những mặc cảm về bản thân.
Ngoài việc tự đi lại, anh Tuấn còn có thể tự ăn uống, vệ sinh cá nhân, quét nhà thổi cơm thậm chí làm được nhiều việc khác như chăn trâu, chặt cây…
Đi chăn trâu, anh Tuấn buộc đầu dây thừng vào khuỷu tay, dùng sức để kéo. Người tập tễnh đi trước, con trâu thấy giật dây cũng ngoan ngoãn theo sau. Có đôi ba lần, trâu ngửi mùi bầy đàn, giật dây hất văng Tuấn ra xa mấy mét rồi chạy theo đàn.
Tuấn xuýt xoa vết thương, rồi thũng thẵng theo trâu đến tối mịt mới dắt được về nhà. "Sống dần riết rồi quen với việc dùng cùi tay để cầm, nắm, bám, dùng một chân để chạy nhảy lò cò. Tôi chỉ nghĩ làm gì đó để bố mẹ không phải lo lắng cho mình nữa là được", anh chia sẻ.
Làm giàu từ đôi tay tật nguyền
Tưởng rằng cả cuộc đời này sẽ phải sống nhờ sự chở che của bố mẹ, nhưng không ai ngờ rằng, anh Tuấn lại có thể tự làm giàu bằng đôi tay không lành lặn của mình nhiều năm sau đó.
Vào năm 1994, thấy nhà có mảnh đất đồi rộng khoảng 4ha chưa được sử dụng đúng cách, anh Tuấn xin bố mẹ cho mình sử dụng để trồng rừng rồi chuyển vào ở hẳn trong đó. Lúc đầu, bố mẹ anh sợ con trai tật nguyền, sống một mình trong rừng không ai chăm sóc nên ra sức khuyên ngăn. Nhưng rồi không ai ngăn cản được quyết tâm của chàng trai khi đó mới 16 tuổi.
Không ngăn được con, bố mẹ anh đã phải xây một căn nhà rộng chừng 10m2, đặt cái giường và góc nhà làm bếp để anh bắt đầu cuộc sống một mình nơi rừng vắng, heo hút và cô đơn, cách biệt với thế giới bên ngoài.
Trồng rừng vốn là một việc vô cùng vất vả, nặng nhọc với người khỏe mạnh chứ nói gì đến một người khuyết tật. Ban đầu, anh Tuấn dùng đầu tay cụt ngủn kẹp cán cuốc vào nách, dùng khuỷu tay còn lại giữ thân, dùng hông di chuyển rồi bổ những nhát cuốc thật mạnh xuống đất.
Cứ thế, cứ thế những nhát cuốc đầy khó khăn của anh đã biến vạt đồi cằn cỗi ấy trở nên tốt tươi. Sau đó, anh mua cây bạch đàn, cây vải về bắt đầu công cuộc phủ xanh đất trống đồi trọc.
Mỗi buổi sáng, người đàn ông tật nguyền ấy lại đặt mấy chục cây non vào gùi hoặc xô để mang lên rừng, rồi tiếp tục làm cho tới khi trời tối mịt mới về nhà. Trong vòng ba tháng, một mình anh đã trồng được hơn ba ngàn cây bạch đàn và vải.
Đến năm 2007, anh Tuấn thu hoạch lứa bạch đàn đầu tiên và vay mượn thêm tiền để xây nhà. Vừa xây xong nhà, bất hạnh tai ương ập xuống gia đình khi con trâu, một tài sản quý giá với anh khi đó lăn đùng ra chết.
Một tuần sau đó cả đàn lợn giống gần chục con cũng rủ nhau chết theo, bao nhiêu vốn liếng, tài sản coi như đổ ra sống ra biển.
Đó cũng là lúc mà người vợ từng đến với anh vì cảm phục nghị lực của người đàn ông tật nguyền ra đi, bỏ lại anh Tuấn và con trai khi đó mới 4 tuổi. Thời điểm bế tắc nhất trong cuộc đời người đàn ông khốn khổ này có lẽ là lần anh gửi con cho ông bà nội rồi lên tận cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) để hành khất.
Nhưng nghĩ đến đứa con đã vắng mẹ, nay lại vắng cha, anh lại quay về nhà, quyết tâm làm lại từ đầu trên mảnh đất mình đã nuôi ước mơ.
Lần này, anh bắt đầu lại sự nghiệp bằng cách đầu tư chăn nuôi gà đồi. Từ 500 con gà đầu tiên, anh phát triển đàn gà lên đến 4.000 con gà mỗi vụ. Mỗi năm, anh Tuấn thu hoạch đến 3 vụ gà đồi, cho thu nhập gần trăm triệu đồng/năm. Thấy trồng bạch đàn không đem lại hiệu quả cao, anh Tuấn chuyển sang trồng keo và lim.
Anh lặn lội lên tận Bàn Cờ Tiên trên đỉnh núi Côn Sơn (Hải Dương) để học cách trồng keo. Đến nay, khu rừng rộng gần 4ha của anh Tuấn đã có hơn 2 vạn cây keo 6 năm tuổi và gần 5.000 cây lim.
Cuốc đất bằng đôi tay tật nguyền. |
Anh Tuấn chỉ vào những cây keo đang độ tuổi lớn, nói: "Cách đây 2 năm, có mấy người lên hỏi mua khu rừng keo của tôi với giá 2 - 3 tỷ đồng nhưng tôi không bán. Tôi muốn giữ lại, bởi đây không chỉ là nơi mưu sinh, làm giàu mà còn gắn bó và gìn giữ rất nhiều kỷ niệm trong cuộc đời tôi".
Với lứa keo 6 năm tuổi, mỗi gốc keo bán ra với giá 70.000 đồng - 100.000 đồng, đó là chưa kể cây lim đang độ tuổi lớn. Anh Tuấn dự định 5 năm nữa sẽ thu hoạch toàn bộ keo và lim, dự kiến thu về hàng tỷ đồng. Dọc con suối ở ven rừng, anh trồng thêm tre vừa chống xói mòn đất, lại vừa cho thu nhập mỗi năm hơn chục triệu đồng.
Giờ đây, hai vợ chồng bà Dụ đã có thể yên tâm về cuộc sống của cậu con trai mà hai người hết lòng lo lắng. Khi nói về con trai, bà Dụ chia sẻ: "Vốn dĩ vợ chồng tôi cũng lo lắng và có nhiều tính toán về cuộc đời của Tuấn, Nhưng giờ đây, nỗi lo ấy cũng không còn vì kinh tế của con tôi cũng rất ổn rồi, hơn nữa cũng còn có con trai sau này sẽ lo cho bố nó. Hai vợ chồng tôi cũng đã yên lòng rồi…".
Ông Nguyễn Huy Mộc - Trưởng khu dân cư Cầu Dòng cho biết: "Anh Tuấn tuy là người khuyết tật, hiện phải sống trong cảnh "gà trống nuôi con" nhưng luôn lạc quan yêu đời, sống chan hòa, tình cảm với bà con trong khu dân cư. Đặc biệt, tuy bị mất hai tay, một chân nhưng anh đã vượt lên trên mọi khó khăn, gian khổ để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Anh là tấm gương sáng cho những người cùng cảnh ngộ học tập, noi theo". |