ASEM thông qua 15 sáng kiến mới

08:03 22/11/2017
Ngày 21-11, trước khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) lần thứ 13 bế mạc, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch và 15 sáng kiến mới, trong đó có sáng kiến của Việt Nam về “Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các Mục tiêu về phát triển bền vững”.


Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 13 của ASEM diễn ra trong 2 ngày 20 và 21 tháng 11 tại  Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Nay Piy Taw, Myanmar. Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững”, hội nghị đề ra những định hướng, tầm nhìn của hợp tác ASEM trong thập niên thứ ba với các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác trên cả 3 trụ cột là đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Trong các phát biểu, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về đối ngoại và an ninh, Trưởng đoàn của các thành viên điều phối Philippines, Pakistan, Estonia… đều cho rằng cần tiếp tục gia tăng hợp tác đưa quan hệ đối tác Á - Âu đi vào chiều sâu và hiệu quả trong thập kỷ mới. Các Bộ trưởng cũng dành thời gian lắng nghe đại diện thanh niên Á – Âu trình bày về tầm nhìn cho hợp tác ASEM thời gian tới.

Sau các phiên họp toàn thể về “Gắn kết hài hòa giữa hòa bình và phát triển bền vững”; “Thúc đẩy quan hệ đối tác ASEM năng động và gắn kết hơn trong thập niên thứ ba của hợp tác”, các Bộ trưởng còn tiến hành họp về các vấn đề quốc tế và khu vực, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, chủ nghĩa khủng bố, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, an ninh hàng hải…

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM diễn ra trong 2 ngày 20 và 21-11. Ảnh: AP

Nhìn chung, các Bộ trưởng đều cam kết đẩy mạnh triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, thúc đẩy hợp tác Mekong - Danube về quản lý nguồn nước, chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển, tăng cường sự đóng góp của thanh niên, phụ nữ và doanh nghiệp.

Sự tăng cường hợp tác kết nối trên cả 3 phương diện hạ tầng cơ sở, thể chế và con người, đặc biệt là thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, kết nối số, giao lưu nhân dân, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, du lịch cũng được nhấn mạnh.

Hội nghị còn hoan nghênh đề xuất của Nhóm công tác ASEM về kết nối trong đó xác định các lĩnh vực ưu tiên và lộ trình triển khai để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 vào năm tới. Bên cạnh đó, các thành viên ASEM cũng chia sẻ đánh giá về tình hình phức tạp tại Trung Đông - Bắc Phi, Ukraine, khủng hoảng nhập cư, tác động của việc Anh rút khỏi EU.

Nhiều thành viên bày tỏ quan ngại trước những diễn biến đang tác động đến môi trường an ninh tại châu Á, trong đó có bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và Hoa Đông. Các Bộ trưởng đều nhất trí về nhu cầu cấp thiết cần tăng cường hợp tác nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, khẳng định cam kết cùng nỗ lực bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại, đề cao các biện pháp xây dựng lòng tin, nguyên tắc kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước  quốc tế Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); đặc biệt là vai trò của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác vì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề xuất, châu Á và châu Âu cần tiếp tục đi đầu duy trì hòa bình và ổn định thế giới, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Hai châu lục cũng cần tiên phong trong triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững 2030, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, giảm nghèo, kết nối toàn diện và chất lượng, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, an ninh lương thực - nguồn nước - năng lượng.

ASEM cũng cần tiếp tục ủng hộ quản trị kinh tế toàn cầu công bằng và cân bằng, hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, trao đổi các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới, phát triển các chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu, tăng cường sự sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa….

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế để tìm giải pháp hòa bình và bền vững cho các xung đột và tranh chấp ở Trung Đông, châu Phi, châu Á…

Với vấn đề Biển Đông, Việt Nam và các nước ASEAN đã và đang phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, trong đó có các thành viên ASEM, để bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và bảo đảm các tuyến giao thương trong và ngoài khu vực không bị cản trở.

Theo đó, cần kiên trì thúc đẩy nỗ lực chung, khẳng định cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý; kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình.

Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc thông qua Khung Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và việc chính thức khởi động đàm phán một COC thực chất và có hiệu lực.

Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao, trong hội nghị lần này, đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực và là thành viên có trách nhiệm như việc tham gia xây dựng chương trình nghị sự của cuộc họp, tham gia đóng góp nội dung, kết quả cụ thể trong Tuyên bố Chủ tịch để kết nối vấn đề hợp tác đối phó với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

15 sáng kiến được các Bộ trưởng thông qua tại Hội nghị có sáng kiến của Việt Nam về “Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các Mục tiêu về phát triển bền vững” được đánh giá cao và nhiều thành viên tham gia đồng bảo trợ.

S.Thương

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文