Anh áp lệnh trừng phạt Tổng tư lệnh quân đội Myanmar
- Đụng độ xảy ra giữa những người biểu tình trên đường phố Myanmar
- Quan chức Myanmar tới Thái Lan tìm cách tháo gỡ bế tắc chính trị
- Đoạn kết nào cho Myanmar?
Chính phủ Anh cho biết động thái này được thực hiện vì vai trò của họ trong cuộc đảo chính hôm 1/2.
Các biện pháp trừng phạt sẽ cấm 6 người này đến Anh, trong khi các doanh nghiệp và tổ chức của Anh bị cấm giao dịch với họ. Trước đó, các biện pháp tương tự cũng đã được áp dụng đối với 19 quan chức quân sự khác.
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing (Ảnh: AP) |
Viện trợ của Anh có thể được sử dụng để hỗ trợ gián tiếp cho quân đội cũng đã bị đình chỉ.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết các biện pháp mới nhất đã gửi một "thông điệp rõ ràng tới chế độ quân sự ở Myanmar rằng những người chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền sẽ phải chịu trách nhiệm", đồng thời kêu gọi chính quyền trao lại quyền kiểm soát cho chính phủ dân sự.
Thông báo mới nhất của Anh đồng nghĩa tất cả các thành viên Hội đồng Quản lý Nhà nước Myanmar (SAC) phải chịu các biện pháp trừng phạt.
Văn phòng Khối thịnh vượng chung và Phát triển Nước ngoài Anh cho biết Tướng Min Aung Hlaing đã giám sát và chỉ đạo các hành vi vi phạm nhân quyền, sau các cuộc phản đối từ những người ủng hộ dân chủ.
5 người khác phải chịu lệnh trừng phạt của Anh gồm Trung tướng Aung Lin Dwe, Trung tướng Ye Win Oo, Tướng Tin Aung San, Tướng Maung Maung Kyaw và Trung tướng Moe Myint Tun.
Anh, hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của G7, đã chỉ trích các tướng lĩnh thực hiện cuộc đảo chính và kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi và những người bị bắt giữ khác.