Armenia tuyên bố bắn hạ nhiều xe tăng, trực thăng quân sự của Azerbaijan
- Cựu Tổng thống Armenia Robert Kocharyan bị cáo buộc "tiếm quyền"
- Sức mạnh “long trời lở đất” của “thần sấm” Tor Nga vừa bán cho Armenia
- Azerbaija và Armenia đấu súng dữ dội ở khu vực biên giới, nhiều người chết
Bộ Quốc phòng Armenia ngày 27/9 cáo buộc Azerbaijan phát động một đợt tấn công nhắm vào các khu định cư dân sự ở vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh nằm gần biên giới hai nước do lực lượng thân Armenia kiểm soát, kéo theo một cuộc phản công của Armenia, theo AlJazeera.
Hình ảnh một chiếc xe tăng bốc cháy gần khu giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan. Ảnh: Bộ Quốc phòng Armenia |
Ít nhất 3 xe tăng của Azerbaijan trúng đạn của Armenia, trong khi 2 trực thăng bị bắn rơi, theo Bộ Quốc phòng Armenia. Phía Armenia không tiết lộ thiệt hại của họ trong đợt giao tranh.
Ở chiều ngược lại, Bộ Quốc phòng Azerbaijan bác bỏ thông tin do Armenia đưa ra, cho biết lực lượng nước này buộc phải phát động "một cuộc tấn công nhằm ngăn chặn hoạt động chiến đấu của Armenia và đảm bảo sự an toàn của người dân".
Phía Azerbaijan thông báo đã sử dụng xe tăng, pháo, máy bay quân sự trong chiến dịch. Azerbaijan xác nhận một trực thăng bị bắn rơi nhưng phi hành đoàn đã sống sót.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cùng ngày cho biết "có tổn thất trong các lực lượng Azerbaijan và dân thường do hậu quả của cuộc bắn phá từ Armenia".
Nagorno - Karabakh, có diện tích khoảng 4.400km2, là vùng lãnh thổ đồi núi hiểm trở nằm sâu trong biên giới phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có phần lớn dân cư là người gốc Armenia và muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia.
Vị trí của vùng Nagorgo-Karabakh. Ảnh: INT |
Tranh cãi về vùng đất này đã khiến Armenia và Azerbaijan căng thẳng suốt nhiều thập kỷ, đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994 sau khi chính quyền tự trị Nagorno - Karabakh tuyên bố ly khai.
Sau cuộc chiến này, Azerbaijan đã mất quyền kiểm soát với Nagorno-Karabakh và 7 vùng lân cận vào tay lực lượng địa phương do Armenia hậu thuẫn. Những năm gần đây, các cuộc xung đột vũ trang quy mô nhỏ vẫn tiếp diễn ở khu vực, gần nhất là đợt giao tranh hồi tháng 7/2020, khiến hàng chục người thiệt mạng.
Theo hãng tin TASS, sáng 27/9, nhà chức trách nước cộng hoà ly khai Nagorno-Karabakh không được công nhận đã áp đặt tình trạng thiết quân luật. Nhà lãnh đạo tại vùng lãnh thổ này, ông Arayik Harutyunyan kêu gọi huy động tất cả công dân trên 18 tuổi.
Nga, quốc gia có ảnh hưởng lớn ở khu vực, gần đây liên tiếp bày tỏ lo ngại về tình hình đụng độ leo thang, cho rằng các bên xung đột cần bảo đảm thực thi lệnh ngừng bắn, đồng thời khẳng định sẵn sàng đóng vai trò trung gian.