Armenia tuyên bố bắn rơi 80 máy bay Azerbaijan
- Armenia dọa dùng siêu tên lửa Iskander Nga tấn công Azerbaijan
- Azerbaijan bị tố dội "bão lửa" về phía Armenia, số thương vong tăng chóng mặt
- Phe Armenia mất thêm 28 tay súng sau tin Thổ Nhĩ Kỳ điều 4.000 lính
AlJazeera dẫn thông báo rạng sáng nay (30/9) của Armenia khẳng định nước này đã bắn hạ 137 xe bọc thép, 7 trực thăng, một máy bay phản lực có người lái và 72 máy bay không người lái (UAV) của Azerbaijan.
Binh sĩ Azerbaijan nã pháo gần Nagorno-Karabakh. Ảnh: AlJazeera |
Về nhân lực, Armenia khẳng định 790 binh sĩ Azerbaijan thiệt mạng trong các vụ đụng độ. Armenia xác nhận mất gần 90 binh sĩ, phần lớn là lực lượng địa phương, vì đợt chiến sự nổ ra với Azerbaijan, và khoảng 200 người khác bị thương.
Azerbaijan đến nay chưa báo cáo số thương vong trong lực lượng vũ trang mà chỉ xác nhận 12 dân thường thiệt mạng, 35 người khác bị thương do hoả lực của Armenia. Về vũ khí, Azerbaijan xác nhận mất một trực thăng hôm 27/9.
Chiến sự giữa Armenia và Azerbaijan bên nổ ra từ sáng 27/9 và diễn ra ngày càng ác liệt. Lãnh đạo cả hai nước gần đây khẳng định chưa có nhu cầu đối thoại, bất chấp những lời kêu gọi cương quyết của Nga, Mỹ, Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế.
Tình hình leo thang hôm 29/9 khi cả hai cáo buộc đối phương tấn công vào lãnh thổ ngoài khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Cùng ngày, Armenia cho biết một cường kích Su-25 của nước này đã bị bắn rơi bởi tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, song Ankara bác bỏ tin này.
Nagorno-Karabakh, có diện tích khoảng 4.400km2, là vùng lãnh thổ đồi núi nằm sâu trong biên giới Tây Nam của Azerbaijan và được công nhận rộng rãi thuộc chủ quyền Azerbaijan - quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi.
Tuy nhiên, phần lớn dân cư ở Nagorno-Karabakh lại là người gốc Armenia theo đạo Cơ đốc và muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Tranh cãi về vùng đất này khiến hai bên lao vào cuộc chiến kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khi chính quyền tự trị ở Nagorno-Karabakh đòi ly khai để sáp nhập vào Armenia.
Đợt giao tranh mới nhất được cảnh báo sẽ là nghiêm trọng nhất từ năm 1994. Các chuyên gia nhìn nhận tình hình ở Nagorno-Karabakh có thể leo thang thành chiến tranh quân sự tổng lực giữa Armenia và Azerbaijan, nhất là khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị lôi kéo vào xung đột.