Armenia tuyên bố mọi nỗ lực ngoại giao với Azerbaijan đã chấm hết
- Azerbaijan tuyên bố san phẳng 4 hệ thống tên lửa S-300 của Armenia
- Armenia nói chưa cần lôi Nga vào cuộc chiến với Azerbaijan
- Lệnh ngừng bắn thứ hai giữa Armenia-Azerbaijan đổ vỡ
Pháo cỡ lớn được sử dụng trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: ITN |
Thông tấn Nga TASS dẫn lời Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết nước này đã giành quyền kiểm soát 22 khu định cư ở Nagorno-Karabakh trong ngày 21/10. Trước đó một ngày, ông Aliyev nói Azerbaijan chiếm được quyền kiểm soát thành phố Zangilan và 24 khu định cư khác.
Từ khi xung đột với Armenia nổ ra hôm 27/9, Azerbaijan liên tiếp thông báo đã đẩy lùi lực lượng thân Armenia khỏi các khu định cư ở Nagorno-Karabakh, vùng đất vốn thuộc chủ quyền Azerbaijan, nhưng do lực lượng địa phương thân Armenia kiểm soát.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Nikkei của Nhật Bản cùng ngày, ông Aliyev thừa nhận lệnh ngừng bắn giữa nước này và Armenia do Nga làm trung gian, đã sụp đổ, đồng thời đổ lỗi cho Yerevan đã đơn phương vi phạm lệnh ngừng bắn trước.
"Thời gian trên chiến trường càng trôi qua bao nhiêu thì chúng tôi lại càng giải phóng được nhiều lãnh thổ nhiều hơn bấy nhiêu", ông Aliyev nói, đồng thời khẳng định Azerbaijan đang chiếm ưu thế và Armenia theo đó phải có những bước đi "hợp lý hơn".
Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian chỉ trích "lập trường hiếu chiến" của Azerbaijan đã làm lu mờ mọi triển vọng ngoại giao nhằm hạ nhiệt xung đột. Ông kêu gọi người dân Armenia sẵn sàng "cầm vũ khí và bảo vệ Tổ quốc", theo AP.
"Không có cách nào để giải quyết vấn đề Nagorno-Karabakh hiện nay thông qua ngoại giao", ông Pashinian tuyên bố. "Trong tình huống này, chúng tôi coi tất cả đề xuất và ý tưởng về nhu cầu tìm kiếm một giải pháp ngoại giao hiệu quả đã chấm dứt".
Hiện, cộng đồng quốc tế đang có nhiều bước đi nhằm hạ nhiệt tình hình. Hôm 21/10, Ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan đã tiếp tục thảo luận với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Ngày 23/10 tới, hai ông này sẽ gặp mặt Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Washington. Mỹ trước đó cam kết đóng vai trò tích cực nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Nagorno-Karabakh.