Azerbaijan công bố đoạn video cáo buộc Armenia vi phạm lệnh ngừng bắn
- Putin mời ngoại trưởng Armenia-Azerbaijan đến Moscow ngay hôm nay
- Armenia dội lửa san phẳng cơ sở dầu mỏ lớn của Azerbaijan
- Nga, Pháp, Mỹ yêu cầu Armenia-Azerbaijan lập tức buông súng vô điều kiện
Armenia và Azerbaijan đã đồng ý ngừng giao tranh tại Nagorno-Karabakh vào tối hôm 9/10 sau 10 giờ đàm phán căng thẳng giữa các Ngoại trưởng mỗi bên với Nga làm trung gian hòa giải. Lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ trưa ngày 10/10, sau gần 2 tuần hai nước giao tranh liên tiếp tại khu vực phía nam Kavkaz.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã công bố đoạn video cảnh "phá hủy pháo binh, xe tăng và hệ thống phòng không của Armenia" mà nước này cho rằng đã phá vỡ thoả thuận ngừng bắn hôm 10/10. |
Đoạn video đầu tiên cho thấy các cuộc không kích nhằm vào nhiều loại pháo và binh lính trong chiến hào. Video thứ hai cho thấy Azerbaijan tấn công vào xe bọc thép của Armenia và video thứ ba cho thấy Baku phá hủy hệ thống phòng không của Yerevan.
Trước đó, hôm 10/10, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc phía Armenia cố gắng thực hiện cuộc tấn công nhằm giành lại các vùng lãnh thổ bị mất trong các cuộc giao tranh gần đây. "Sau khi chúng tôi tiến hành các biện pháp phòng vệ, kẻ thù của chúng tôi, vốn đã chịu nhiều tổn thất về lực lượng và trang thiết bị, đã buộc phải rút lui", thông báo của Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho hay.
Theo các nhà chức trách Azerbaijan, các cuộc pháo kích của Armenia nhằm vào các ngôi làng ở vùng Terter và Agdam, tây nam nước này đã khiến một thường dân 46 tuổi thiệt mạng.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Armenia tuyên bố chính phía Azerbaijan đã phá vỡ lệnh ngừng bắn trước. Phát ngôn viên Bộ này, Shushan Stepanyan cho biết các lực lượng từ Quân đội Phòng vệ Karabakh đã thực hiện “các biện pháp phù hợp để đẩy lùi cuộc tấn công của kẻ thù”.
Lệnh ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh chính thức có hiệu lực vào lúc 12 giờ trưa ngày 10/10 theo giờ địa phương. Tuy nhiên, cả hai bên đều cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.
Xung đột ở Nagorno-Karabakh đã leo thang vào ngày 27/9, khi cả Baku và Yerevan đều cáo buộc nhau châm ngòi cho các hành động thù địch quân sự. Khi cuộc xung đột bùng phát bạo lực mới, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng ủng hộ Azerbaijan, trong khi Nga, Pháp, Liên hợp quốc và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, thúc giục các bên quay trở lại các cuộc đàm phán do OSCE làm trung gian.