Bài toán hàn gắn nước Mỹ của chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden
Ngày 6/1, lịch sử chính trị Mỹ đã chứng kiến một sự kiện chưa từng có khi đám đông ủng hộ ông Donald Trump xông vào tòa nhà Quốc hội trong một nỗ lực để ngăn cản ông Biden được xác nhận giành chiến thắng. Hàn gắn tâm hồn quốc gia là điểm nhấn được ông Joe Biden nêu bật trong chiến dịch tranh cử. Nhưng khi gần như cầm chắc chiến thắng, ông sẽ lại phải đối diện với thách thức trong việc biến cam kết thành hiện thực.
Những thách thức
Ngày 20/1 là thời điểm Tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức nhậm chức. Chính quyền của ông Biden có một nhiệm vụ trọng đại phía trước, đó là vực lại sự đoàn kết của tất cả người dân Mỹ. Đây có thể là một trong những công việc khó nhất song cũng là cần thiết nhất mà Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ phải thực hiện.
Khi tranh cử, ông Biden đưa ra kế hoạch “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn” (Build back better), tập trung vào phục hồi ngay lập tức nền kinh tế và giải quyết tình trạng bất bình đẳng vốn ăn sâu bám rễ trong lòng nước Mỹ với một loạt đề xuất mới. Kế hoạch này chủ trương tạo ra hàng triệu việc làm và mang lại công cụ cần thiết để tầng lớp lao động Mỹ xây lại tương lai tươi sáng hơn thông qua các khoản đầu tư quan trọng cho người dân, hạ tầng cơ sở và môi trường.
Ông Biden cũng sẽ tìm kiếm các phương án thắt chặt quy định để bảo vệ môi trường, người tiêu dùng, người lao động và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng bởi kế hoạch trên được đánh giá là không tạo sự khác biệt cạnh tranh với kế hoạch của Tổng thống Trump. Thậm chí, một số điểm sẽ khó có thể đảm bảo được lợi ích trước tiên của người dân Mỹ khi có sự mâu thuẫn giữa chủ trương của ông Biden trong lĩnh vực thương mại với các quy định của hệ thống các thể chế đa phương như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cùng Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris. |
Chính quyền ông Biden thừa hưởng những thể chế bị suy yếu, những truyền thống bị bóp méo, các cử tri bị chia rẽ và rối loạn bởi những hy vọng, kỳ vọng, nghi ngờ và phẫn nộ tạo nên. Họ cũng sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có mà ông Trump khơi mào, người đang cư xử không hẳn như một người tiền nhiệm mà giống với một người phá hoại hơn. Ông đã đưa ra những cáo buộc vô căn cứ về gian lận bầu cử và trên thực tế đã đe dọa kiện cáo cho đến khi tái đắc cử mới chấm dứt. Khi vẫn còn hàng triệu phiếu bầu chưa được kiểm đếm, ông đã tuyên bố “Thẳng thắn mà nói, chúng ta đã chiến thắng trong cuộc bầu cử này”.
Những điều này không giống một bản mô tả công việc mà giống với sứ mệnh chính trị cầm chắc thất bại. Việc hàn gắn những chia rẽ này cũng tương tự như việc đi trên một sợi dây thừng đã sờn và đang cháy âm ỉ ở cả hai đầu, một thách thức mà chỉ những người như Solomon hay Houdini mới có thể vượt qua. Liệu ông Joe Biden và bà Kamala Harris có thể làm được điều này không?
Trong bài phát biểu chấp nhận đề cử của đảng Dân chủ, ông Biden, người đã có 36 năm làm việc tại Thượng viện và 8 năm trên cương vị Phó Tổng thống nói rằng sẽ lãnh đạo nước Mỹ thoát khỏi con đường của bóng tối và sự nghi kỵ: “Chúng ta có thể lựa chọn một con đường khác và cùng nhau nắm lấy cơ hội này để được chữa lành, được tái sinh và đoàn kết lại. Con đường của hy vọng và ánh sáng”. Ông cũng hứa hẹn rằng sẽ làm việc vì mọi người dân Mỹ, chứ không phải chỉ những người đã bỏ phiếu cho ông.
Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống đắc cử còn phải đối mặt với cơn giận dữ và một môi trường truyền thông dễ bị kích động, sẽ thổi bùng lên những ngọn lửa tranh cãi. Julian Zelizer, Giáo sư lịch sử chính trị thuộc Đại học Princeton nhận định, tình trạng cực đoan hóa trong Đảng Cộng hòa, kết hợp với việc mở rộng cơ sở hạ tầng truyền thông theo tư tưởng bảo thủ đã tạo ra một thế giới mà ở đó người ta gần như không thể hình dung nổi sự nhất trí về một vài trong số những vấn đề lớn nhất của thời đại. Tổng thống Trump cũng đã hợp pháp hóa và chào đón một nền chính trị gây chia rẽ và điều này sẽ thúc đẩy những người ủng hộ ông tiếp tục đi theo con đường này.
Bất chấp đại dịch COVID-19, khủng hoảng kinh tế và những sự công kích của ông Trump nhằm vào các chuẩn mực dân chủ, hơn 68 triệu người Mỹ, gần một nửa tổng số cử tri vẫn bỏ phiếu với mong muốn ông Trump sẽ tiếp tục cầm quyền thêm 4 năm nữa. Đảng Cộng hòa cũng được dự báo sẽ tiếp tục nắm quyền kiểm soát Thượng viện và thu hẹp đa số của đảng Dân chủ trong Hạ viện.
Ngoài thái độ thù địch của đảng Cộng hòa, chính quyền ông Biden còn phải đối mặt với hai trở ngại lớn khác. Mô hình kinh doanh đã làm giàu cho Facebook và các công ty truyền thông xã hội khác, đồng thời thúc đẩy tỷ lệ người xem của các kênh truyền hình như Fox hay MSNBC và vùi dập các mạng lưới ít thiên vị đảng phái hơn như CNN sẽ còn tiếp diễn. Những cuộc thảo luận về quy định và cải cách cơ cấu sẽ tiếp tục chỉ là thảo luận.
Đáng ngại hơn nữa là việc các giá trị và thể chế chủ lực đã bắt đầu rệu rã ngay trước khi ông Trump xuất hiện. Tình trạng dư thừa ở phố Wall, các khoản thế chấp thứ cấp, đại dịch ma túy, sự suy giảm của ngành sản xuất, giáo dục đắt đỏ và bất bình đẳng thu nhập đều đang xâu xé khế ước xã hội của Mỹ…
Hy vọng chữa lành
Dù tất cả những điều này nghe có vẻ ảm đạm, buồn bã nhưng người ta vẫn có cơ sở để lạc quan. Tạp chí TIME đã vinh danh Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cùng Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris là "Nhân vật của năm" (Person of the Year) trong năm 2020.
Tổng Biên tập Edward Felsenthal lý giải ông Biden và bà Harris đã “thay đổi câu chuyện Mỹ, để cho thấy sức mạnh của sự thấu cảm còn lớn hơn cơn giận dữ của chia rẽ, để chia sẻ một tầm nhìn chữa lành một thế giới đang đau thương”. Kabaservice, Giám đốc nghiên cứu chính trị thuộc Trung tâm Niskanen ở Washington cho rằng họ có thể xoa dịu phần nào những cử tri nam giới da trắng vốn ủng hộ Trump, đồng thời lắng nghe tiếng nói của cánh tả trẻ tuổi và đa chủng tộc.
Ông Kabaservice cho rằng ông Biden sẽ là người gặp gỡ các Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa và mang lại cảm giác ôn hòa thân mật, vẽ nên hình ảnh của sự đồng thuận lưỡng đảng. Trong khi đó, bà Harris là đại sứ của những người cấp tiến, quan tâm tới lợi ích của các nhóm thiểu số và chủng tộc.
Trong bối cảnh của nước Mỹ hiện tại, chắc chắn sẽ không bao giờ có được sự hòa hợp hoàn toàn nhưng việc đổ thêm dầu vào lửa là lựa chọn sai lầm nếu so với việc tìm cách dập lửa. Chính quyền ông Joe Biden có thể thu hút sự chú ý của người dân vào các dự án quốc gia lớn, hướng tới một nền kinh tế xanh, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tạo cảm giác rằng Mỹ đang làm những công việc vĩ đại.
Bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 không có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn quốc, chính quyền Tổng thống đắc cử cũng có thể áp dụng phản ứng gắn kết và dựa trên khoa học nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng có thể làm giảm bớt mức độ chính trị hóa vấn đề khẩu trang và giãn cách xã hội; không nhất thiết phải áp chế bằng quyền lực chính trị mà có nhiệm vụ thông qua những bài phát biểu để truyền đạt tới người dân lời giải thích về tầm quan trọng của việc kiềm chế dịch bệnh, với thái độ bình tĩnh, hòa giải nhưng kiên quyết.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Tổng biên tập TIME, ông Biden đã đưa ra những đường nét cơ bản về hướng đi của Chính phủ Mỹ trong tương lai, sự hợp tác của ông với Phó Tổng thống Harris, niềm tin của ông vào vaccine và kế hoạch triển khai chương trình tiêm chủng sắp tới, cũng như suy nghĩ về việc ân xá và những câu chuyện khác nữa. Người Mỹ chắc hẳn sẽ rất trông đợi điều này ở nhà lãnh đạo của đất nước mình.
Ngoài ra, chính quyền ông Biden có thể nhanh chóng thay thế các “chính ủy” do Trump chỉ định và khôi phục niềm tin vào các cơ quan đang hứng chịu sự công kích, chẳng hạn như Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ. Việc làm này sẽ không quá khó khăn bởi lẽ những công chức chuyên nghiệp bình thường đều là những người tin vào sứ mệnh của mình.
Tương lai của Mỹ dưới thời Tổng thống thứ 46 Biden đến nay vẫn là ẩn số ngay cả khi đã có nhiều phân tích liên quan đến những ưu tiên chính sách cả về đối nội và đối ngoại của ông. Trong thời gian tới, chính quyền Tổng thống Biden sẽ còn nhiều việc phải làm để xây dựng nước Mỹ “trở lại tốt đẹp hơn” như ông cam kết.