COVID-19 gây ra hậu quả "khủng" hơn cuộc Đại suy thoái những năm 1930
Đại dịch COVID-19 đang khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nặng nề nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930, các chính phủ và các quan chức y tế cần hợp tác để ngăn chặn kết cục thậm chí tồi tệ hơn.
Ảnh minh họa Getty Images. |
Đây là lời cảnh báo nghiêm túc từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được đưa ra ngày 14/4, nhấn mạnh nguy cơ suy thoái có thể kéo dài đến năm 2021 nếu các nhà hoạch định chính sách không phối hợp trong một phản ứng toàn cầu.
Dự báo triển vọng của nền kinh tế thế giới, IMF cho biết họ dự kiến GDP toàn cầu sẽ giảm 3% vào năm 2020, một cuộc suy thoái tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đảo ngược 180 độ so với dự báo vào tháng 1 khi dự kiến tăng trưởng 3,3% trong năm nay.
“Cuộc đại khóa cửa, như người ta vẫn gọi, dự kiến sẽ thu hẹp đáng kể sự tăng trưởng toàn cầu. Sự phục hồi một phần dự kiến diễn ra năm 2021 nhưng mức GDP sẽ vẫn nằm dưới xu hướng thời kỳ tiền đại dịch”, IMF cho biết, đồng thời nhận định mức tăng trưởng thấp hơn vẫn có khả năng xảy ra.
Tại Mỹ, các nhà lập pháp đã phê duyệt hơn hai nghìn tỷ USD tiền kích thích và Cục Dự trữ Liên bang đã giải phóng hàng nghìn tỷ USD để giữ cho hệ thống tài chính không bị đóng băng. IMF dự kiến nền kinh tế Mỹ sẽ giảm 5,9% trong năm nay. Đây sẽ là mức sụt giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1946, nhưng vẫn không nghiêm trọng bằng số nước châu Âu có khả năng gặp phải.
Tăng trưởng ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ giảm mạnh xuống còn 1,2%, mức tăng trưởng thấp nhất từ năm 1976.
Triển vọng ảm đạm ngay cả ở các quốc gia mà chính phủ và ngân hàng trung ương đã phản ứng mạnh mẽ trong nỗ lực giúp đỡ công nhân và doanh nghiệp. IMF dự kiến nền kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu sẽ giảm 7% vào năm 2020. Nền kinh tế Canada được dự báo sẽ giảm 6,2%, trong khi Anh có thể giảm 6,5%.
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sẽ giảm 5,3% mặc dù cho đến nay họ đã tránh được việc áp đặt các hạn chế khắc nghiệt trên toàn quốc đối với đi lại, việc làm và đời sống công cộng vốn đã ngưng trệ hoạt động kinh tế ở nhiều nước khác trên thế giới.
Các nước EU đã cam kết một khoản tiền khổng lồ để hỗ trợ các công ty và hộ gia đình. Tây Ban Nha và Italia, hai nước đã bị có số ca nhiễm và tử vong cao nhất châu lục, được dự đoán sẽ mất lần lượt 8% và 9,1% tăng trưởng kinh tế.
Dự báo của IMF cho thấy thế giới đang ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong gần một thế kỷ qua, và những nỗ lực ngăn chặn đại dịch này sẽ khiến hàng chục triệu người mất việc làm và khiến hàng chục nghìn công ty bị đóng cửa. IMF dự báo thất nghiệp ở Mỹ sẽ tăng lên 10,4% trong năm nay và 9,1% vào năm 2021.
IMF dự kiến nền kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục vào năm 2021, với mức tăng trưởng đạt 5,8% nếu đại dịch biến mất trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, cũng cảnh báo rằng triển vọng này rất không chắc chắn.
“Đại dịch có thể dai dẳng hơn giả định. Hơn nữa, ảnh hưởng của khủng hoảng sức khỏe đối với hoạt động kinh tế và thị trường tài chính có thể trở nên mạnh mẽ và lâu dài hơn”, IMF cho biết.