Cả thế giới theo dõi bầu cử Tổng thống Mỹ
- 62% cử tri Mỹ than phiền bà Clinton gửi email làm phiền
- Bầu cử Tổng thống Mỹ: Xuất hiện yếu tố làm giảm phiếu của bà Clinton
- Bầu cử Tổng thống Mỹ: Cạnh tranh quyết liệt trước giờ G
Cụ thể, tại Dixville North và Hart's Location, bà Clinton giành được lần lượt 4 phiếu và 17 phiếu bầu, trong khi ông Trump nhận được lần lượt 2 phiếu và 14 phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, ứng cử viên Cộng hòa lại có số phiếu áp đảo tại Millsfield với tỷ lệ 16 - 4, giúp “ông trùm” bất động sản giành được tổng cộng 32 phiếu bầu.
Theo luật pháp bang New Hampshire, các cộng đồng dân cư có dưới 100 cử tri được quyền bắt đầu bỏ phiếu vào lúc nửa đêm và đóng hòm phiếu ngay khi tất cả các cử tri đăng ký đã hoàn tất nghĩa vụ công dân của mình.
Trong số 3 khu vực trên, Dixville Notch nằm ở cực Bắc bang New Hampshire vốn nổi tiếng khắp nước Mỹ là địa phương luôn đi bầu tổng thống sau nửa đêm. Trong khi đó, các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc thường mở cửa vào buổi sáng (giờ Mỹ) trong ngày bầu cử 8-11.
Mặc dù chưa biết ai sẽ là vị chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng nhưng nhiều nước đã khẳng định sẽ tiếp tục duy trì quan hệ với Mỹ. Hàn Quốc ngày 8-11 tuyên bố mối quan hệ đồng minh giữa nước này và Mỹ sẽ vẫn được duy trì vững chắc cho dù kết quả của cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ có thế nào đi nữa, và Seoul sẽ giữ vững tính liên tục trong chính sách thông qua các cuộc tham vấn chặt chẽ với chính quyền sắp được thành lập ở Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho June-hyuck nhấn mạnh: “Cho dù kết quả của cuộc bầu cử có thế nào đi nữa thì chắc chắn mối quan hệ đồng minh của chúng ta với Mỹ cũng sẽ vẫn tiến tới”.
Người phát ngôn Cho cũng tuyên bố Hàn Quốc sẽ tích cực nỗ lực để đảm bảo tính liên tục của các chính sách liên quan đến quan hệ giữa hai nước thông qua việc liên lạc chặt chẽ với đội ngũ chuyển tiếp của tổng thống Mỹ. Ngoài ra, quan chức này cũng nhấn mạnh Chính phủ Hàn Quốc sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để tăng cường mối quan hệ hợp tác với chính quyền sắp tới của Mỹ.
Phát biểu vào sáng cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng, Tokyo rất quan tâm tới cuộc bầu cử này. Ai trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới thì Nhật Bản vẫn không thay đổi lập trường coi quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ là trục chính trong chính sách ngoại giao. Nhật Bản tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tân chính quyền Mỹ.
Ngoại trưởng Kishida nhấn mạnh thêm rằng quan hệ đồng minh hai nước sẽ tiếp tục phát triển vì hòa bình, phồn vinh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.
Trong khi đó, dư luận Trung Quốc cũng bày tỏ tin tưởng mô hình “quan hệ nước lớn kiểu mới” do phía Trung Quốc đề xướng sẽ được Tổng thống mới của Mỹ ủng hộ và tích cực thúc đẩy triển khai, đảm bảo cho quan hệ song phương phát triển ổn định trên nguyên tắc “không xung đột, không đối kháng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng”.
Trước đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Moskva sẵn sàng làm “tan băng” quan hệ với Mỹ nhưng tất cả sẽ phụ thuộc vào lập trường của chính quyền mới ở Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống.
Thủ tướng Medvedev nhấn mạnh, cho dù ai trở thành Tổng thống Mỹ, Nga sẵn sàng xây dựng với chính quyền mới ở Mỹ mối quan hệ bình thường, mang tính xây dựng dựa trên những nguyên tắc, luật pháp quốc tế, sự bình đẳng giữa Nga và Mỹ, cấu trúc thế giới đa cực.
Đồng thời, mối quan hệ này cũng dựa trên trách nhiệm trước nhân loại mà Nga và Mỹ đang gánh vác với tư cách là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và những cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới. Trong khi đó, hơn 75% người Đức được hỏi cho rằng mối quan hệ của nước này với Mỹ sẽ trở nên căng thẳng nếu ông Trump đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 8-11.
Về phía nước Mỹ, cho dù có là ai đi nữa thì vị tân Tổng thống của “xứ cờ hoa” cũng không có thời gian để “ngủ quên trên chiến thắng”, khi mà phía trước là rất nhiều khó khăn, cả về đối nội và đối ngoại.
Theo khảo sát mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Pew, đa phần cử tri Mỹ đều nhìn nhận tân Tổng thống phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng hơn bất kể người tiền nhiệm nào. Về đối nội, kinh tế vẫn là vấn đề được dư luận quan tâm nhất và đó cũng là phần việc mà người đứng đầu chính quyền mới phải tập trung giải quyết...
Do vậy bất kể ai lên nắm quyền tại Nhà Trắng cũng đều bảo vệ quyền lợi của giới tinh anh, giàu có chiếm thiểu số, nhưng cũng phải có biện pháp “xoa dịu” tầng lớp trung lưu, nghèo khổ chiếm đa số, không để mâu thuẫn xã hội bùng phát vượt tầm kiểm soát. Đó cũng là một thách thức lớn khi mà bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo ở Mỹ liên tục gia tăng.