Các nhà khoa học bác giả thuyết virus gây ra COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm
- Trung Quốc xây thêm loạt phòng thí nghiệm sinh học mới
- Nhóm điều tra WHO đến phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán
- Giám đốc phòng thí nghiệm Vũ Hán phủ nhận liên quan tới COVID-19
Trong một bức thư đăng trên tạp chí y khoa The Lancet hôm 5/7, 20 nhà khoa học quốc tế nổi tiếng đã ủng hộ một cuộc kêu gọi gần đây từ các quốc gia trong nhóm G7 để điều tra thêm về nguồn gốc virus gây ra COVID-19, đồng thời kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) "khẩn trương" tiếp tục tiến hành nghiên cứu với các chuyên gia và chính phủ Trung Quốc.
Viện Virus học Vũ Hán (WIV). (Ảnh: ITN) |
Các nhà khoa học trên cũng là những người từng ký vào một bức thư hồi tháng 2/2020, lên án các thuyết âm mưu cho rằng "COVID-19 không có nguồn gốc tự nhiên". Những giả thuyết như vậy - đặc biệt về việc virus có thể bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc - đã thu hút được sự chú ý trong những tháng gần đây và ngày càng nhiều nhà khoa học, cũng như chính phủ Mỹ, kêu gọi điều tra sâu hơn về khả năng này.
Trong bức thư mới nhất, các nhà khoa học, bao gồm Jeremy Farrar - người đứng đầu quỹ từ thiện Wellcome có trụ sở tại London, Dennis Carroll - cựu giám đốc đơn vị ứng phó mối đe dọa đại dịch mới nổi của USAID, và nhà virus học hàng đầu người Đức Christian Drosten thuộc bệnh viện đại học Charite ở Berlin đều ủng hộ quan điểm ban đầu của họ cho rằng virus đã xuất hiện trong tự nhiên.
"Chúng tôi tin rằng manh mối rõ ràng nhất từ những bằng chứng mới, đáng tin cậy và được xem xét trong các tài liệu khoa học, là virú đã tiến hóa trong tự nhiên, trong khi các giả thuyết virus rò rỉ trong phòng thí nghiệm vẫn chưa có bằng chứng khoa học xác thực", các nhà nghiên cứu cho biết.
"Cáo buộc và phỏng đoán không giúp ích được gì, vì chúng không tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin và đánh giá khách quan… Việc tố cáo lẫn nhau không, và sẽ không thúc đẩy sự hợp tác và cộng tác quốc tế", các nhà khoa học nói thêm.
Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng quan điểm của họ "không phải là dữ liệu cũng như kết luận" và cuộc điều tra cần được tuân theo quy trình khoa học, bao gồm "duy trì đối thoại" và đặt ra "những câu hỏi mới".
Theo các nhà khoa học, việc thu thập thông tin khoa học một cách cẩn trọng và minh bạch là điều cần thiết để hiểu được cách thức virus lây lan và xây dựng các chiến lược để giảm thiểu tác động đang diễn ra của COVID-19, cho dù nó bắt nguồn hoàn toàn từ trong tự nhiên hay bằng cách nào đó đã lây lan trong cộng đồng thông qua một con đường trung gian.
Sau những kết thúc gây tranh cãi của nhiệm vụ điều tra nguồn gốc COVID-19 "giai đoạn một" kéo dài do WHO dẫn đầu tại Vũ Hán hồi đầu năm nay, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc các nỗ lực quốc tế nhằm tìm ra nguồn gốc virus sẽ được thực hiện như thế nào.
Tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 vào tháng trước, các nhà lãnh đạo đã kêu gọi "một sứ mệnh giai đoạn hai kịp thời, minh bạch, với sự lãnh đạo của chuyên gia và dựa trên khoa học" do WHO dẫn đầu, bao gồm cả ở Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã lên tiếng ủng hộ việc nghiên cứu thêm về nguồn gốc virus, nhưng cho biết cuộc điều tra đã được thực hiện xong tại Trung Quốc và công việc cần được tiến hành ở những nơi khác.
Leo Poon Lit-man, một giáo sư tại Trường Y tế Công cộng của Đại học Hồng Kông, người đã ký cả hai lá thư của The Lancet , cho biết ông và các nhà khoa học khác lo ngại về sự không chắc chắn trong đợt nghiên cứu giai đoạn hai. "Thật khó để có chỗ cho khoa học khi thiếu đi sự đối thoại và giao tiếp", giáo sư Poon nhận định, đồng thời chỉ ra những lập luận về các giả thuyết khác nhau sẽ gây trở ngại cho cuộc điều tra.
Trung Quốc đã kiên quyết bác bỏ giả thuyết về vụ rò rỉ víu từ phòng thí nghiệm, bảo vệ tính minh bạch của nước này và cáo buộc “một số quốc gia” “bắt nạt và ép buộc” các nhà khoa học ủng hộ giả thuyết này.
"Mọi người cần hiểu rằng việc truy tìm nguồn gốc của COVID-19 không nên được chính trị hóa và nó phải dựa trên cơ sở khoa học, được tiến hành thông qua hợp tác toàn cầu", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong tuyên bố hôm 2/7.