Các nước châu Á đối phó với vấn nạn tin xấu, tin giả
- Cuộc chiến chống tin giả bước vào giai đoạn mới
- Công nghệ đối đầu với làn sóng thông tin giả
- Vạch trần những vụ tung tin giả vì mưu đồ cá nhân
Trong khi đó, Indonesia cũng tuyên bố vừa phá một mạng lưới phản động chuyên dùng mạng xã hội để bôi xấu lãnh đạo, tuyên truyền bạo lực và gây chia rẽ sắc tộc, mất đoàn kết nội bộ.
Thông tin trên hãng CNBC cho hay, gần 2 năm qua, các tin tức giả mạo ngày càng gia tăng ở khu vực châu Á và đã tác động đến ít nhất 3 sự kiện chính trị tại khu vực này trong năm 2017.
Đó là: Cuộc bầu cử Thị trưởng ở thủ đô Jakarta (Indonesia), cuộc khủng hoảng liên quan đến cộng đồng người Hồi giáo Rohingya thiểu số tại Myanmar và cuộc chiến chống ma túy ở Philippines.
Savi Ali, Giám đốc trực tuyến của nhóm Hồi giáo lớn nhất Indonesia Nahdlatul Ulama mô tả sự bùng nổ của các thông tin giả mạo và các nhóm chống đối chính phủ ở các nước giống chiến tranh tâm lý đang diễn ra "trong thời kỳ đen tối của Internet".
"Việc phát tán thông tin sai lệch và tin tức giả đã được sử dụng để hỗ trợ những tuyên bố và tuyên truyền sự thù ghét. Nó gắn chặt với các hoạt động tác động mạnh tới chính trị trong nước, nhất là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc", ông Savi Ali nói.
Lấy ví dụ ngay tại Indonesia, Giám đốc trực tuyến của nhóm Hồi giáo Nahdlatul Ulama cho hay, quần đảo này có 255 triệu dân thì có tới 130 triệu người sử dụng Internet. Nhiều người trong số này đã bị “nhiễm độc” bởi những thông tin giả mạo, cụ thể là thông tin giả mạo về việc các nhà lãnh đạo Indonesia hoặc các chương trình kích động phân biệt chủng tộc, sắc tộc và tôn giáo.
Hồi đầu tháng 3, cảnh sát Indonesia đã phát hiện ra một nhóm mang tên Gia đình mạng quân đội Hồi giáo (MCA) chuyên sản xuất các tin tức giả mạo nhằm bôi xấu lãnh đạo, gây bất ổn chính trị và thậm chí là làm nhũng nhiễu thông tin về cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này.
Đáng chú ý là mạng lưới này còn dùng các tin tức sai sự thật và ngôn từ thù hận để kích động sự phân chia tôn giáo, sắc tộc; kích động sự hoang tưởng của người hâm mộ xung quanh các nhân vật nổi tiếng bị đồng tính nam hoặc đồng tính nữ và lan truyền nội dung phỉ báng cả Tổng thống cùng các thành viên trong nội các Chính phủ.
Thành viên trong mạng lưới này được chia làm nhiều nhóm trong đó cảnh sát Indonesia đã phát hiện ra một nhóm chuyên lưu giữ các nội dung xấu để phổ biến, một nhóm có nhiệm vụ tấn công các tài khoản và lây lan virus trên các thiết bị điện tử hoặc hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước. Cho đến nay, cảnh sát đã bắt giữ được 14 tên và đang tiếp tục truy lùng những tên khác...
Tin tức giả mạo đang trở thành hiểm họa lớn về an ninh trên thế giới. |
Và để đối phó với vấn đề an ninh phi truyền thống này, hôm 3-1, Indonesia chính thức thành lập Cơ quan chuyên xử lý tin giả mạo trên Internet. Người phát ngôn của Chính phủ Indonesia Johan Budi cho hay, Thiếu tướng Djoko Setiadi, nguyên Giám đốc Cơ quan mật mã của Indonesia đã được Tổng thống Joko Widodo làm người đứng đầu cơ quan an ninh mạng mới.
Nhiệm vụ của cơ quan này là kiểm chứng sự thật và chỉ ra những tin giả mạo; triệt phá các mạng lưới khủng bố và xử lý các nội dung thù địch trên mạng.
Hiện Indonesia cũng đang phát động cuộc chiến chống lại những tin tức giả mạo với phương pháp áp dụng gồm: Truy tố liên đới tới những cá nhân lan truyền tin giả; phong tỏa các trang mạng đưa tin; tuyên truyền giúp người dân biết sử dụng Internet và mạng xã hội cho những mục đích đúng đắn, đồng thời thiết lập một danh sách các trang web "đáng tin cậy" do nhà nước kiểm duyệt.
Trong khi đó, hôm 14-3, tại Singapore, Quốc hội đã bắt đầu đầu phiên họp kéo dài 3 ngày để trưng cầu ý kiến của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực nhằm tăng cường các giải pháp đối phó với vấn nạn thông tin giả trên Internet. Sự kiện này do một ủy ban chuyên trách của Quốc hội Singapore tổ chức và kết quả của cuộc trưng cầu ý kiến sẽ giúp cho việc soạn thảo luật chống thông tin giả mạo dự kiến ban hành vào năm 2018.
Bộ trưởng Nội vụ K. Shanmugam cho biết, Singapore sẽ tập trung vào các nền tảng công nghệ để loại bỏ tin tức giả mạo và giúp người dân nhận diện những dạng tin tức này. 91% người dân Singapore khi được hỏi đều bày tỏ sự ủng hộ việc công bố một đạo luật mạnh mẽ hơn để đảm bảo gỡ bỏ và sửa lại cho đúng những tin giả.
Tại Trung Quốc, nơi có hơn 1/2 trong tổng 1,3 tỷ dân dùng Internet, bên cạnh việc cấm người dân sử dụng một số mạng xã hội phổ biến Twitter, Facebook, Gmail..., chính quyền Bắc Kinh còn đẩy mạnh kiểm duyệt khắp các trang mạng truyền thông xã hội quốc nội như trang Sina Weibo.
Trung Quốc còn có một đội quân hùng hậu gồm 2 triệu "cảnh sát mạng" chuyên theo dõi các hoạt động trên mạng Internet.
Ngoài ra, Trung Quốc còn ra quy định, người dùng Internet có thể bị giam 3 năm tù nếu những thông tin “bịa đặt” lan truyền trực tuyến được xem hơn 5.000 lần hoặc chuyển tiếp hơn 500 lần...
Riêng ở Ấn Độ, ngoài biên chế 15.000 nhân viên trong cơ quan an ninh mạng của quân đội, nước này còn có một cơ chế "xã hội hóa" để thành lập "biệt đội chống tin vịt".
Cụ thể, một số chuyên gia tin học ở Ấn Độ đã lập trang web giúp kiểm chứng thông tin. Điển hình trong số đó là trang SMHoaxSlayer.com của kỹ sư Pankai Jain (39 tuổi) đến từ Mumbai và trang Altnews.in của kỹ sư Pratik Sinha (35 tuổi) ở Ahmedabad. Biệt đội này sẽ cùng với các cơ quan truyền thông lớn ở Ấn Độ phân loại và ngăn chặn các tin tức giả mạo được phát tán trên Internet.