Căng thẳng cuộc chiến giá dầu Saudi Arabia – Nga

08:39 14/03/2020
Cuộc chiến giá dầu do Saudi Arabia khơi mào hôm 9/3 là sự kiện có động cơ được tính toán kỹ lưỡng – một động thái chiến lược và chiến thuật nhằm chiếm đoạt thị phần trong ngắn hạn và tăng cường vị thế của nước này trong ngành công nghiệp năng lượng trong trung hạn bằng việc gạt sang bên lề một số đối thủ của Riyadh. Đây được đánh giá là một canh bạc táo bạo của Saudi Arabia.


Canh bạc táo bạo

Các nhà sản xuất dầu đá phiến vẫn luôn phải vật lộn với khó khăn để tìm kiếm lợi nhuận nên đặc biệt dễ bị tổn thương. Mức giá hòa vốn trung bình đối với họ là khoảng 60USD/thùng, cao hơn mức giá hòa vốn trung bình của các nhà sản xuất dầu cát (chủ yếu ở Canada) là hơn 80USD/thùng.

Nếu giá dầu giảm xuống dưới các mức đó như hiện nay, thì hầu hết các hoạt động sản xuất dầu đá phiến và dầu cát sẽ không đem lại lợi ích kinh tế. Nhiều nhà sản xuất, đặc biệt là các nhà sản xuất nhỏ và vừa, sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi việc khai thác bằng thủy lực – quá trình khoan sâu vào lòng đất để hút dầu và khí từ các mỏ đá phiến – cần rất nhiều vốn.

Trong quá khứ, Phố Wall đã sẵn sàng tài trợ cho hoạt động của các nhà sản xuất này ngay cả khi giá dầu xuống thấp bởi họ tin rằng giá dầu sẽ sớm tăng trở lại. Nhưng hiện nay, khi nhu cầu về dầu mỏ đang giảm sút và sự suy thoái toàn cầu có thể xảy ra, các công ty dầu đá phiến khó tiếp cận nguồn vốn, nếu không muốn nói là không thể. Nhiều công ty sẽ bị phá sản, đặc biệt nếu tình trạng giá dầu thấp kéo dài, lan sang các thị trường trái phiếu cấp thấp mà nhiều công ty đã huy động vốn.

Giá dầu trong phiên giao dịch sáng 9-3 lao dốc thê thảm nhất kể từ Chiến tranh vùng Vịnh 1991 khi giảm hơn 30%.

Mức giá dưới 30USD/thùng cũng có thể khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn đối với các nhà sản xuất dầu khí ngoài khơi như Norway và Anh, vì mức giá đảm bảo hòa vốn trong việc sản xuất dầu khí tại các mỏ ở Biển Bắc đối với họ tối thiểu là 35USD/thùng. Bằng việc giữ giá dầu ở mức thấp, Saudi Arabia và Nga sẽ tạm thời loại bỏ được rất nhiều đối thủ cạnh tranh và đặt hai nước vào vị trí là những bên được lợi nhiều nhất khi giá dầu tăng trở lại.

Tuy nhiên, họ cũng đang gây tổn thương cho chính mình trong “canh bạc” này, ít nhất là trong ngắn hạn. Xuất khẩu dầu mỏ chiếm khoảng 1/2 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 70% nguồn thu từ xuất khẩu của Saudi Arabia.

Theo tiến sĩ Garbis Iradian, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi thuộc Viện Tài chính quốc tế có trụ sở ở Washington, thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia trong năm 2020 dựa trên mức giá 58USD/thùng đối với dầu thô Brent là 6,5% GDP. Với việc giá dầu giờ đây giảm nhiều hơn trước đó, Riyadh sẽ phải gia tăng thâm hụt, rút hơn 500 tỉ USD dự trữ ngoại tệ hoặc “xếp xó” một phần kế hoạch phát triển đầy tham vọng của mình như “Tầm nhìn 2030” nhằm đa dạng hóa nền kinh tế thông qua một loạt dự án trị giá nhiều tỉ USD.

Thu nhập từ giá dầu thấp cũng có thể dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu xã hội, làm suy yếu khả năng của nước này trong việc tài trợ cho cuộc chiến tốn kém của họ ở Yemen và làm gia tăng nguy cơ bất ổn chính trị trong nước. Saudi Arabia sẽ phải trả giá nặng nề đối với “canh bạc” táo bạo của mình.

Nga cũng đang gánh chịu rủi ro. Mặc dù nền kinh tế Nga đa dạng hơn nền kinh tế Saudi Arabia, nhưng Moscow vẫn có thể để mất thị phần vào tay đối thủ Trung Đông của mình nếu Riyadh giảm giá mạnh cho Tây Âu, vốn là thị trường chính đối với dầu khí xuất khẩu của Nga.

Với giá dầu thấp hơn, Nga sẽ mất đi nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ. Tuy nhiên, do doanh thu từ dầu mỏ chiếm chưa đến ½ doanh thu ngân sách của nước này, nên Moscow có thể cân bằng ngân sách của mình với giá dầu ở mức 42USD/thùng – bằng khoảng một nửa mức giá mà Saudi Arabia cần. Hơn nữa, khác với Saudi Arabia, việc Chính quyền Moscow duy trì kiểm soát chặt chẽ đối với chi tiêu đã giúp Nga có được thặng dư ngân sách trong những năm gần đây.

Dự trữ ngoại tệ của Nga cũng lớn hơn, khoảng 580 tỉ USD, và nước này có quỹ tài sản trị giá 170 tỉ USD được xây dựng từ doanh thu dầu mỏ trước đây. Vì vậy, Nga có thể chống đỡ được cơn bão giá dầu – trừ phi Saudi Arabia và các nhà sản xuất khác tranh giành thị phần và đẩy giá dầu xuống mức dưới 20USD/thùng. Mức giá này rõ ràng thấp hơn mức đảm bảo hòa vốn trong sản xuất đối với Nga.

Lợi và hại

Nhiều nước sẽ trở thành nạn nhân của tình trạng giá dầu sụp đổ. Một trong những nước bị thiệt hại nhiều nhất là Iran, đối thủ chính của Saudi Arabia ở khu vực Trung Đông. Thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ của Iran, vốn đã bị hạn chế vì các biện pháp trừng phạt của Mỹ, sẽ còn giảm nữa do giá dầu thấp.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế quốc gia Hồi giáo này đã bị thu hẹp 9,5% trong năm 2019. Chịu tác động kép từ dịch COVID-19, Iran là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh này.

Cùng với giá dầu giảm mạnh, nền kinh tế Iran có nguy cơ sụp đổ. Venezuela, vốn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dầu mỏ để tồn tại và đã ở bên bờ vực suy thoái kinh tế ngay cả khi giá dầu ở mức cao, giờ đây phải đối mặt với tai họa.

Những nước giàu dầu mỏ đang phải vật lộn với khó khăn như Angola, Brazil, Ecuador và Nigeria cũng sẽ phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng. Malaysia sẽ gặp phải cú sốc về dầu thô. Phụ thuộc nặng nề vào doanh thu từ dầu mỏ của công ty dầu mỏ quốc gia Petrobas, kế hoạch ngân sách mới đây nhất của nước này được xây dựng trên giả định giá dầu trung bình năm 2020 là 62USD/thùng. Do đó, Chính phủ Malaysia cần phải tính toán lại doanh thu và kế hoạch chi tiêu của mình.

Các công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ của Singapore – các nhà xây dựng dàn khoan ngoài khơi và các nhà cung cấp của họ - cũng sẽ bị tác động. Các nhà máy đóng tàu vốn đã nhận nhiều đơn đặt hàng từ ngành công nghiệp dầu khí cũng sẽ bị tác động. Tuy nhiên, các ngân hàng của Singapore đã thận trọng tự “cách ly” khỏi cú sốc dầu mỏ.

Tuy nhiên, giá dầu thấp hơn sẽ có lợi cho hầu hết các nước châu Á, trong đó có các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Indonesia, vốn đều là những nước nhập khẩu ròng dầu mỏ. Những nước này được hưởng mức chi phí nhập khẩu thấp hơn, chịu ít áp lực ngân sách hơn và có mức lạm phát thấp hơn.

Các nước châu Á cũng sẽ có cơ hội cắt giảm các khoản trợ cấp nhiên liệu tốn kém của mình. Ngành hàng không cũng sẽ được lợi. Mặc dù vậy, do số lượng chuyến bay và mức độ đi lại giảm mạnh do dịch COVID-19, nên giá dầu thấp cũng không hoàn toàn là điều tốt đẹp đối với ngành hàng không vào thời điểm này.

Một số nhà phân tích lập luận rằng, vở kịch này trên các thị trường dầu mỏ toàn cầu đánh dấu sự khởi đầu của một trật tự mới trên thị trường dầu mỏ thế giới. Điều này là có thể. OPEC+, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với sự tham gia của Nga, đã bộc lộ điểm yếu là một tổ chức thiếu đoàn kết và thiếu hiệu quả.

Trong bối cảnh nền kinh tế của nhiều nước thành viên đang gặp rắc rối, các nước thành viên đều đặt lợi ích của mình lên trên hết. Dầu mỏ và các nhiên liệu hóa thạch khác cũng đang nhường chỗ cho nhiên liệu tái tạo. Tiến trình thay thế sẽ tiếp diễn trong bối cảnh vấn đề biến đổi khí hậu được đặt ở vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu.

Tuy nhiên, còn quá sớm để nói đến sự cáo chung của OPEC+. Tổ chức 60 năm tuổi này từng trải qua những biến động tương tự và vẫn đứng vững từ khi thành lập cho tới nay. Tình trạng bế tắc giữa hai đối thủ Saudi Arabia và Nga sẽ không kéo dài. Đến một thời điểm nào đó, nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi và giá dầu sẽ tăng trở lại. Ngành công nghiệp dầu đá phiến cũng sẽ phục hồi.

Hải Hà (tổng hợp)

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Những ngày qua có 4 tàu cá cùng 11 ngư dân của Quảng Bình bị nạn trên biển do lốc xoáy, sau 5 ngày nỗ lực liên lạc, tìm kiếm, 4 ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui vỡ oà của người thân.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文