Kịch bản nào hóa giải những bất đồng về đóng cửa chính phủ Mỹ
- Chính phủ Mỹ tiếp tục chuỗi ngày đóng cửa lâu kỷ lục
- Chính phủ Mỹ đóng cửa ngày thứ 17, Tổng thống sắp thăm biên giới Mexico
- Tổng thống Trump: Chính phủ Mỹ có thể đóng cửa thời gian dài
Những khác biệt quá lớn
Ngày 14-1 (giờ địa phương) đánh dấu ngày thứ 24 Chính phủ Mỹ bị đóng cửa, biến đây trở thành đợt đóng cửa kéo dài nhất trong lịch sử quốc gia này.
Trong bối cảnh cuộc chiến giữa Tổng thống Donald Trump và phe Dân chủ trong Quốc hội liên quan đến ngân sách cho dự án bức tường biên giới Mỹ-Mexico nhằm ngăn chặn làn sóng người nhập cư trái phép vẫn chưa ngã ngũ, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ Lindsey Graham đã hối thúc Tổng thống Trump đồng ý tạm thời mở cửa chính phủ trở lại trong vòng 3 tuần và kêu gọi Tổng thống và giới lập pháp tiếp tục đối thoại.
Theo ông, nếu các cuộc đàm phán không đạt được tiến triển, khi đó mới nên ban bố một lệnh tình trạng khẩn cấp. Song, Tổng thống Donald Trump lại không hài lòng với đề xuất này. "Tôi đã từ chối nó", ông Trump tuyên bố, đồng thời khẳng định vấn đề kinh phí xây tường biên giới phải được giải quyết và ông không muốn trì hoãn điều đó.
Chính phủ Mỹ đã ngừng hoạt động một phần kể từ hôm 22-12-2018. Ảnh: Sky News |
Trong suốt nhiều tuần qua, Tổng thống Trump đã không ngừng yêu cầu Quốc hội thông qua khoản ngân sách 5,7 tỷ USD để xây dựng bức tường biên giới. Trong khi đó, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện thuộc phe Dân chủ lại liên tục tuyên bố không nhượng bộ đề xuất ngân sách mà Tổng thống đưa ra.
Đỉnh điểm của những khác biệt xảy ra hôm 9-1, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sự tức giận và kết thúc cuộc đàm phán với lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi về việc chi ngân sách cho bức tường biên giới và mở cửa lại chính phủ với lời phàn nàn rằng cuộc họp là một sự "lãng phí thời gian".
Những kịch bản "hóa giải" bất đồng
Trước những diễn biến không mấy sáng sủa trong nội bộ chính phủ nước Mỹ, USA Today đã liệt kê 5 kịch bản có thể giúp Washington thoát khỏi tình trạng đóng cửa lịch sử này.
Theo đó, hai kịch bản đầu tiên khá dễ dự đoán, đó là một trong hai người, Tổng thống Mỹ Donald Trump hoặc Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, phải nhượng bộ. Tuy nhiên điều này được cho là không mấy khả thi dựa trên "tham vọng" của cả hai người. Đối với Tổng thống Trump, nhượng bộ đồng nghĩa với việc ông sẽ mất đi sự ủng hộ của phe bảo thủ trong đảng Cộng hòa.
Còn đối với Chủ tịch Hạ viện Pelosi, cuộc đối đầu này có thể coi là "phép thử" khả năng lãnh đạo của bà, nhất là khi bà vừa nhậm chức trong một Hạ viện mà đảng Dân chủ đã giành lại thế đa số sau nhiều năm.
Kịch bản thứ 3 được đưa ra nhằm giúp Chính phủ Mỹ chấm dứt tình trạng đóng cửa, đó là việc Tổng thống Trump nhận được sự ủng hộ từ các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, dù kịch bản này cũng không mấy khả quan. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy dư luận đều đổ lỗi cho cả Tổng thống Trump và đảng Dân chủ vì đã khiến Chính phủ Mỹ đóng cửa dài ngày. Vì thế, theo USA Today nhìn nhận, các nghị sĩ Cộng hòa đều đang tìm cách "đứng ngoài vòng xoáy đổ lỗi" và cũng muốn giữ mọi việc như cũ.
Kịch bản thứ 4 - "chơi lớn" - lại mở ra một hướng thỏa hiệp mới giữa hai bên, vừa giúp cung cấp ngân sách xây tường, lại vừa đảm bảo được một số lợi ích nhất định cho những người nhập cư trái phép. Song giải pháp này lại lặp lại bất đồng muôn thuở, khi cả Tổng thống Trump lẫn Chủ tịch Hạ viện Pelosi đều không muốn thỏa hiệp. Trong khi đó, vấn đề bức tường biên giới đã trở thành vấn đề then chốt cho cả hai đảng.
Cây viết Susan Page của USA Today nhận định, phương án khả thi nhất hiện nay nhằm mở cửa Chính phủ Mỹ trở lại, đó là Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và sử dụng ngân sách của Lầu Năm Góc để xây tường biên giới.
Tại cuộc họp diễn ra ở Nhà Trắng ngày 11-1, Tổng thống Trump cũng từng đe dọa nếu Quốc hội không thông qua ngân sách cho bức tường biên giới, ông sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng một hành động như vậy có thể gây ra một cuộc chiến pháp lý mà chỉ có thể kết thúc tại Tòa án Tối cao.
Việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước này với nguy cơ tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên trên mức 4%.
Theo CNBC, khoảng 800.000 nhân viên Mỹ đã bắt đầu thiếu tiền lương kể từ ngày 11-1, trên 380.000 nhân viên đã được cho nghỉ phép và một số lượng lớn khác buộc phải làm việc không lương. Nhiền sân bay đã phải tạm đóng cửa một phần hoặc ngừng kiểm tra an ninh do thiếu vắng nhân sự.
Đây chỉ là 3 trong số một loạt tác động đánh thẳng vào người dân Mỹ sau khi một phần chính phủ đóng cửa.
Một cuộc thăm dò toàn quốc do Đại học Quinnipiac tiến hành và công bố hôm 14-1 cho thấy, có hơn 63% số người được hỏi ủng hộ mở cửa trở lại các cơ quan chính phủ không liên quan gì đến an ninh biên giới.
Điều này phản ánh hi vọng và mong muốn của đa số những người dân Mỹ, gián tiếp nhấn mạnh sự cần thiết của việc mở cửa trở lại Chính phủ Mỹ, dẫu rằng sẽ mất khá nhiều thời gian để đạt được mục tiêu này.