Chống dịch kiểu kì lạ, Brazil vượt Mỹ về số ca COVID-19 mới
- Cho rằng COVID-19 chỉ là cúm, Brazil "tan hoang" vì đại dịch
- Tuần đen tối mới ở Brazil, Tổng thống không đeo khẩu trang bị la ó
- Mỹ cấm nhập cảnh người từng ở Brazil trong 14 ngày qua
Các nghĩa trang ở Brazil quá tải vì số người thiệt mạng do dịch COVID-19 tăng mạnh. Ảnh: Getty Imgaes |
Thống kê trên Worldometer cho thấy Brazil ngày 29/5 báo cáo 29.526 ca nhiễm mới COVID-19, cao nhất thế giới về chỉ số này. Mỹ, vùng dịch lớn nhất toàn cầu chỉ ghi nhận hơn 25.000 ca nhiễm vào khoảng thời gian tương đương.
Tổng số ca bệnh tại Brazil hiện là 468.338, trong đó 27.944 người đã thiệt mạng. Như vậy, Brazil đã vượt qua Tây Ban Nha trở thành vùng dịch có ca tử vong nhiều thứ 5 toàn cầu.
Đáng chú ý, các chuyên gia khẳng định dịch chưa lên đỉnh ở Brazil, tức tình hình sẽ còn tệ đi rất nhiều trong vài tuần nữa. Bộ Y tế Brazil thừa nhận họ không thể dự đoán được bao giờ dịch sẽ lên đỉnh.
Trong khi đó, các chuyên gia nói rằng con số ca bệnh ở quốc gia hơn 210 triệu dân có thể cao gấp 15 lần con số chính thức vì số lượng xét nghiệm vẫn khá thấp. Domingo Alves, chuyên gia hàng đầu về dịch tễ cộng đồng nói với AFP rằng số ca nhiễm trên thực tế khoảng 3 triệu người.
Từ đầu dịch, Brazil mới tiến hành trên 900.000 xét nghiệm, thấp nhất nhóm 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Con số này thậm chí không bằng 1/10 số xét nghiệm mà Nga, quốc gia có số người nhiễm thứ ba thế giới, thực hiện.
Brazil có cách tiếp cận với dịch bệnh khá khác biệt với phần còn lại của thế giới khi Tổng thống nước này Jair Bolsonaro coi COVID-19 chỉ như dịch cúm. Ông cho rằng các biện pháp phản ứng với dịch thái quá sẽ khiến người Brazil chết đói trước khi chết vì virus.
Ông được xem là vị lãnh đạo duy nhất thế giới từng tham gia biểu tình phản đối lệnh cấm đi lại của thống đốc các bang, khiến Brazil không có chiến lược tổng thể chống dịch. Một tháng qua, ông đã sa thải Bộ trưởng Y tế và gây sức ép để bộ trưởng kế nhiệm phải từ chức.
Đáng chú ý, Brazil dường như đang cân nhắc khả năng dỡ phong toả. Nhiều người lo ngại nước này sẽ hứng chịu đợt tấn công thứ hai liên tiếp của dịch bệnh khi đợt đầu tiên chưa kịp qua đi.