Chưa nhậm chức, ông Biden đối mặt với quyết định khó khăn
Ảnh minh họa AP. |
Sau khi nhậm chức vào ngày 20/1, ông Biden ngay lập tức phải đối mặt với quyết định về việc có nên gia hạn hiệp ước về cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược START mới, dự kiến sẽ hết hạn sau 16 ngày, đồng nghĩa với việc Washington và Moscow có thể triển khai số lượng không giới hạn các đầu đạn hạt nhân chiến lược và tên lửa, tàu ngầm và máy bay ném bom.
Trong một lá thư gửi đến đội ngũ chuyển tiếp của ông Biden, hơn 20 nhóm hoạt động kiểm soát vũ khí, môi trường cho biết, “cũng giống như những hành động mạnh mẽ là cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, sự lãnh đạo ngay kịp thời, thông minh và táo bạo của Mỹ là cần thiết để giảm bớt mối đe dọa của thảm họa hạt nhân”.
Nhiều chuyên gia lo ngại sự sụp đổ của START có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và làm gia tăng căng thẳng Mỹ-Nga vốn đã ở mức tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991. Căng thẳng “nóng” hơn từ việc Nga sáp nhập Crimea, cáo buộc can thiệp trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 và các tranh chấp về kiểm soát vũ khí.
Sự sụp đổ của hiệp ước cũng sẽ chấm dứt việc kiểm tra tại thực địa mà hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới tiến hành với các lực lượng của nhau. Điều đó sẽ cắt đứt nguồn thông tin tình báo quan trọng được sử dụng để phát hiện gian lận và cung cấp thông tin chi tiết về kho vũ khí của nhau.
START mới, có hiệu lực vào năm 2011, có thể được gia hạn với sự đồng ý của cả hai bên trong tối đa 5 năm.
Những người ủng hộ việc kiểm soát vũ khí kêu gọi ông Biden nhanh chóng đồng ý gia hạn 5 năm vô điều kiện.
Ông Biden ủng hộ việc gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí, coi đây là “nền tảng cho các thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới”.