Chuyên gia quốc tế xác nhận Sputnik V hiệu quả 91,6%
- Tổng thống Putin đủ điều kiện tiêm vaccine Sputnik V
- Nga tiêm Sputnik V cùng vaccine phương Tây để tăng hiệu quả
- Ấn Độ sản xuất gấp 300 triệu liều vaccine Sputnik V Nga
Kết quả thử nghiệm vaccine Sputnik V giai đoạn cuối, tức giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba, trên 19.886 người, được công bố bởi tạp chí y khoa quốc tế hàng đầu The Lancet đã xác nhận mẫu vaccine Nga có hiệu quả 91,6% trong việc ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở người, theo CNBC.
Vaccine Sputnik V được đánh giá có hiệu quả 91,6%. Ảnh minh họa: CNBC |
Kết quả thử nghiệm trên đã được đối chiếu bởi Viện Gamaleya ở Moscow, nơi Sputnik V được thử nghiệm và phát triển. Chúng cũng hoàn toàn phù hợp với hiệu quả mà Nga thông báo ở các giai đoạn thử nghiệm trước đó, vốn được khởi động tại Moscow từ tháng 9/2020.
"Việc phát triển vaccine Sputnik V từng bị chỉ trích vì quá vội vàng, cắt gọn và thiếu minh bạch. Thế nhưng, kết quả được báo cáo ở đây là rất rõ ràng", Giáo sư Ian Jones thuộc Đại học Reading và Giáo sư Polly Roy, Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London khẳng định về hiệu quả của Sputnik V.
Các chuyên gia hàng đầu thế giới theo đó cũng nhấn mạnh, Sputnik V đã giúp nhân loại có thêm "một vũ khí hiệu quả khác" để chống lại đại dịch chết người.
Vẫn theo kết quả phân tích mới, Sputnik V đã được xác nhận là một trong ba mẫu vaccine có hiệu quả cao nhất thế giới, bên cạnh vaccine của Pfizer/BioNTech (hiệu quả 95%) và Moderna (hiệu quả 94,1%).
Tuy nhiên, Sputnik V lại có ưu điểm vượt trội so với đối thủ, khi nó có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường thay vì điều kiện đông lạnh thấp hơn nhiều so với một số vaccine khác. Đây là yếu tố quan trọng giúp Sputnik V có thể triển khai tại các khu vực có nền hậu cần y tế chưa phát triển.
Ngoài Nga, hiện vaccine Sputnik V đã được phê duyệt ở một loạt quốc gia như Belarus, Serbia, Argentina, Bolivia, Algeria, Palestine, Venezuela, Paraguay, Iran, và Turkmenistan. Hàng triệu người, gồm các nguyên thủ quốc gia nhiều nước, đã được tiêm Sputnik V.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tháng trước cho biết Đức đã đề nghị hỗ trợ Nga phát triển Sputnik V, sau khi phía Nga xác nhận họ đã nộp đơn đăng ký tại Liên minh châu Âu (EU). Hungary tuần trước trở thành quốc gia đầu tiên EU cấp phép sử dụng khẩn cấp với Sputnik V.