Cứu hộ Lào vượt lũ giải cứu hàng nghìn người dân mắc kẹt

10:18 25/07/2018
Trước hậu quả kinh hoàng từ sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ngày 23-7, chính phủ Lào đã huy động các lực lượng tham gia sơ tán và tiếp tế hàng viện trợ cho hàng nghìn người dân đang trực tiếp chịu ảnh hưởng tại tỉnh Attapeu.

Sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu đêm 23-7 đã trút hơn 5 tỉ mét khối nước xuống khu vực hạ lưu, gây lũ quét và ngập úng cục bộ cho 6 bản làng thuộc huyện Sanamxay, làm cô lập hoàn toàn huyện này. 

BBC dẫn lời quan chức địa phương cho biết, ít nhất 20 người đã thiệt mạng, hơn 100 người mất tích và hơn 6000 người đang rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

Lực lượng cứu hộ triển khai phương án tiếp cận khu vực người dân bị mắc kẹt. Ảnh: ABC Laos 
Các phương tiện tàu thuyền được triển khai để tiếp cận và giải cứu người dân tại khu vực ngập lụt. Ảnh: ABC Laos
Quân đội Lào vận chuyển đồ viện trợ và nhu yếu phẩm đến cho người dân vùng lũ. Ảnh: ABC Laos 

Hãng thông tấn KPL (Lào) dẫn thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Lào ngày 24-7 cho biết, chính phủ nước này đã công bố khu vực chịu sự ảnh hưởng của ngập lụt tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, là vùng thiên tai khẩn cấp, chịu tác động trực tiếp từ sự cố vỡ đập thủy điện ở tỉnh này. 

Chính quyền tỉnh Attapeu đã huy động toàn bộ quân số cứu hộ và quân đội, cùng một số lượng lớn trực thăng và tàu thuyền nhằm di tản người dân trong vùng ngập úng đến nơi an toàn.

Giới chức địa phương cũng lên tiếng kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ và ủng hộ viện trợ, nhu yếu phẩm cho hàng nghìn người dân đang chịu cảnh ngập úng.

Người dân dựng tạm lán tại khu vực được sơ tán. Ảnh: ABC Laos 
Sự cố vỡ đập đã khiến hàng nghìn người dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Ảnh: ABC Laos
Lực lượng cứu hộ hỗ trợ di tản người dân đến nơi an toàn. Ảnh: ABC Laos

Những hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy do mực nước dâng lên quá cao, những người sống sót đã buộc phải leo lên mái nhà, chờ đợi được thuyền và trực thăng đến giải cứu.

Hiện công ty SK Engineering & Construction, một trong 3 nhà đầu tư vào dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy đã cử một nhóm cứu hộ khủng hoảng tới Lào và đưa trực thăng từ Thái Lan tới hỗ trợ chính phủ Lào. Một công ty khác cũng đầu tư vào dự án này,Korea Western Power, cũng điều trực thăng, thuyền và nhân sự tới tham gia chiến dịch cứu hộ, hỗ trợ chính quyền địa phương sơ tán người dân khỏi khu vực ngập lụt.

Những lô hàng cứu trợ đầu tiên được vận chuyển đến với người dân chịu ảnh hưởng từ sự cố vỡ đập. Ảnh: ABC Laos
Lực lượng cứu hộ sử dụng thuyền di tản người dân khỏi khu vực ngập úng. Ảnh: ABC Laos

Cơ quan Khí tượng Thủy văn Lào dự báo mưa và gió mạnh sẽ duy trì trong những ngày tới, khiến quá trình cứu hộ cứu nạn trở nên khó khăn hơn, cùng với tình trạng giao thông tắc nghẽn và cô lập địa bàn do ngập úng gây cản trợ cho công tác cứu hộ.

Theo cơ quan Thông tấn Lào, ngay khi vụ việc xảy ra, Thủ tướng nước này Thongloun Sishoulith đã tạm hoãn cuộc họp thường kỳ của chính phủ và trực tiếp đến khu vực Sanamxay để thị sát và chỉ đạo quá trình cứu hộ các nạn nhân.

Chính phủ Lào đã giao cho Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng và chính quyền tỉnh Attapeu khẩn trương huy động một ủy ban nhằm hỗ trợ linh hoạt về mọi mặt cho các nạn nhân trong vùng thiên tai.

Lực lượng chức năng được điều động đến khu vực lũ lụt. Ảnh: ABC Laos
Các binh sỹ đưa những người sống sót đến khu vực an toàn. Ảnh: Reuters
 Thủ tướng Lào Thongloun Sishoulith trực tiếp đến thị sát và chỉ đạo công tác cứu hộ. Ảnh: ABC Laos

Hiện, chưa có thông tin về người Việt tại Lào bị thương vong. 

Ngay sau khi có thông tin đập thủy điện ở tỉnh Attapeu, Lào, bị vỡ, ngày 24-7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Điện thăm hỏi gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith và Thủ tướng Chính phủ Lào Thongloun Sisulith; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có điện thăm hỏi gửi Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith. 

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Thủ tướng Lào Thongloun Sisulith và khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ nhân dân Lào anh em khắc phục hậu quả. 

An Nhiên (T.H)

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文