Đàm phán hòa bình ở Astana, Liên hợp quốc làm trung gian cho Syria
Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc, Vitaly Churkin đề nghị hôm 18-1, Liên hợp quốc làm trung gian giữa chính quyền Syria và lực lượng đối lập trong các phiên đàm phán sắp tới ở thủ đô Astana, Cộng hòa Kazakhstan.
- Đàm phán Syria: Liệu có tránh được vết xe đổ
- Nga bất ngờ mời chính quyền Trump tham gia hoà đàm Syria
“Astana dự kiến mời các đại diện Liên hợp quốc có thể làm trung gian kết nối giữa các bên ở Syria”, ông Churkin cho biết trong một cuộc họp Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc thảo luận về tình hình Trung Đông.
Ông nhấn mạnh cuộc họp ở Astana là “cầu nối các cuộc đàm phán ở Geneva (Thụy Sĩ) được Đặc phái viên Tổng thư ký Liên hợp quốc Staffan de Mistura đề xuất vào ngày 8-2.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin |
Bình luận về đề nghị của Nga, Người phát ngôn Tổng thư ký Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết Liên hợp quốc vẫn đang xem xét vai trò thích hợp nhất tại hòa đàm Astana, tuy nhien tổ chức quốc tế cam kết sẽ tích cực ủng hộ cuộc họp.
Vào sáng 17-1, ông Haq xác nhận với truyền thông Nga rằng Liên hợp quốc nhận được lời mời chính thức tham dự đàm phán ở Astana. Nhà ngoại giao chia sẻ Đặc phái viên Tổng thư ký Liên hợp quốc Staffan de Mistura đã thành lập một đoàn đại biểu do phái viên Ramzi Izz Eddin Ramzi dẫn đầu.
Astana sẽ tổ chức đàm phán về tình hình ở Syria vào ngày 23-2. Hiện vẫn chưa rõ ngoài chính quyền Tổng thống Bashar Assad, có các lực lượng đối lập nào tham gia hòa đàm. Tuy nhiên, Thông tấn Reuters cho biết hầu hết các nhóm vũ trang Syria sẽ tham gia.
Đàm phán sẽ tập trung vào vấn đề duy trì lệnh ngừng bắn trên khắp đất nước Syria, viện trợ nhân đạo và trao trả tù binh.
Kế hoạch tổ chức hiệp thương ở Astana được tuyên bố sau một cuộc họp giữa các ngoại trưởng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ở Moscow vào ngày 20-12-2016. Cả 3 ngoại trưởng đều lên tiếng ủng hộ ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria.