Đàm phán liên Triều lại rơi vào bế tắc
- Đàm phán Liên Triều hy vọng vượt qua vết xe đổ
- Hàn Quốc tìm kiếm các cuộc đàm phán liên Triều
- Đàm phán liên Triều chưa có hồi kết
Thông báo ngày 16-8 của người phát ngôn Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên nêu rõ, Bình Nhưỡng không muốn tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán với Seoul, nhấn mạnh Seoul “không nên hy vọng các cuộc đối thoại liên Triều sẽ nối lại sau khi cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc kết thúc”.
Người phát ngôn này để ngỏ khả năng Triều Tiên đàm phán với Mỹ, theo đó đề cập cuộc đối thoại sắp tới giữa hai nước, song cho biết “sẽ không có chỗ cho Hàn Quốc”. Bình Nhưỡng đồng thời đổ lỗi cho việc đối thoại giữa hai miền mất động lực và sự đình trệ trong việc thực hiện Thỏa thuận liên Triều là trách nhiệm của Seoul.
Các cuộc tập trận quân sự Mỹ- Hàn là dấu hiệu thù địch của Hàn Quốc chống lại Triều Tiên. Tuyên bố trên được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết đạt được thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên vào năm 2045.
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. (Ảnh: CNN) |
Tổng thống Moon Jae-in cho rằng, bất chấp hàng loạt các hành động đáng lo ngại của Triều Tiên gần đây nhưng động lực đối thoại không bị ảnh hưởng và ưu tiên của chính phủ hiện nay đó là đối thoại chứ không phải đối đầu. Phản ứng trước tuyên bố mới nhất của Triều Tiên, Phó phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Euhan cho rằng, điều này không có lợi cho việc thúc đẩy cải thiện quan hệ liên Triều.
Ông nhấn mạnh: “Những tuyên bố này không phù hợp với tinh thần chung Bàn Môn Điếm và Tuyên bố Chung Bình Nhưỡng, không giúp thúc đẩy phát triển mối quan hệ liên Triều. Các cuộc đối thoại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là cách duy nhất để thực hiện Tuyên bố chung liên Triều và có thể đưa ra những quan điểm của mình. Đây là lập trường không thay đổi của Hàn Quốc và chúng tôi hối thúc Triều Tiên cần phản ứng tích cực”.
Cùng với tuyên bố bác bỏ đối thoại, Triều Tiên sáng sớm cùng ngày đã tiếp tục phóng 2 vật thể bay về phía biển Nhật Bản. Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều rất quan ngại về động thái này. Ngay sau vụ phóng, Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc (NSC) đã tổ chức một cuộc họp khẩn kéo dài nhiều giờ để thảo luận về việc này cũng như đưa ra đánh giá tổng thể tình hình an ninh quân sự trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong thông báo vắn tắt về kết quả cuộc họp, Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) kêu gọi Triều Tiên ngừng các vụ phóng vật thể bay, bày tỏ quan ngại rằng những hành động này có thể làm leo thang căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên.
Các quan chức tham dự cuộc họp của NSC cũng bày tỏ lo ngại hành động của Bình Nhưỡng sẽ khiến căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời quyết định phối hợp chặt chẽ với giới chức quân sự của các đồng minh để phân tích cụ thể loại vật thể bay vừa được Triều Tiên phóng sáng 16-8.
Các quan chức nhất trí duy trì trạng thái phòng thủ vững chắc để ứng phó với mọi tình huống quân sự thông qua hoạt động diễn tập chỉ huy chung giữa Hàn Quốc và Mỹ về chuyển giao quyền chỉ huy hoạt động thời chiến (OPCON).
Trong khi đó, các đảng cầm quyền và đối lập tại Hàn Quốc đều đã đưa ra tuyên bố bày tỏ lấy làm tiếc về vụ phóng vật thể bay mới nhất của Triều Tiên sáng 16-8, mặc dù trọng tâm những lời chỉ trích của các đảng này là khác nhau.
Các đảng này coi vụ phóng tên lửa trên là hành động khiêu khích quân sự mới nhất. Đảng Dân chủ (DP) cầm quyền và các đảng tự do nhỏ gồm - đảng Công lý và Đảng Dân chủ và Hòa bình, nhấn mạnh rằng Triều Tiên nên dừng các hành động khiêu khích quân sự và quay lại đối thoại, trong khi đảng Hàn Quốc Tự do (LKP) đối lập chính và đảng Bareunmirae bảo thủ đã dồn sự chỉ trích vào chính sách Triều Tiên của Tổng thống Moon Jae-in.
Ông Lee Hae-sik, người phát ngôn của đảng Dân chủ cho rằng: “Phản ứng của Triều Tiên có thể đe dọa những nỗ lực vì hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên và không hỗ trợ cho hòa bình ở Đông Á, chứ đừng nói đến hòa bình toàn cầu”.
Những người phát ngôn của các đảng còn lại cũng lên tiếng chỉ trích vụ phóng mới của Triều Tiên, kêu gọi chính quyền Bình Nhưỡng tiếp tục đối thoại, cũng như chỉ trích sự “im lặng” của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã dẫn tới việc Triều Tiên tái diễn các vụ phóng vũ khí.
Về phía Nhật Bản, Chính phủ nước này sáng cùng ngày cho biết chưa xác định bất cứ vật thể nào bay vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và vụ phóng mới của Bình Nhưỡng không tạo ra các mối đe dọa an ninh trước mắt đối với nước này.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định Tokyo sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo an toàn cho người dân bằng cách hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các quốc gia khác. Cùng ngày, một quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ cho biết quốc gia này đã nhận được những báo cáo về vụ phóng mới của Triều Tiên và đang phối hợp với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc để giám sát tình hình.
Với tuyên bố bác bỏ đối thoại với Hàn Quốc và thực hiện hàng loạt các vụ phóng liên tiếp của Triều Tiên gần đây phủ bóng lên triển vọng về cuộc gặp thượng đỉnh thứ 4 giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc có thể diễn ra trong tương lai gần.
Theo giới chuyên gia, ngoài việc bày tỏ sự phản đối với các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, những bước đi mới nhất của Triều Tiên có thể là cách gia tăng áp lực với Hàn Quốc cần đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy các cuộc đối thoại hạt nhân với Mỹ hoặc thúc đẩy các dự án hợp tác kinh tế liên Triều đang bị đình trệ.
Giáo sư Yang Moo-jin của trường Đại học nghiên cứu về Triều Tiên tại Seoul cũng cho rằng đây cũng có thể là một thông điệp gián tiếp của Bình Nhưỡng nhằm tìm kiếm thêm sự nhượng bộ của Washington trong bất kì các cuộc đối thoại tương lai nào về chương trình hạt nhân của nước này, trong đó có việc nới lỏng lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.