Đau xót 1,4 triệu trẻ em suy dinh dưỡng tại Somalia
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), số trẻ em tại Somalia, đất nước bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng hạn hán nghiêm trọng, bị suy dinh dưỡng cấp tính đã tăng 50% trong những tháng đầu năm nay.
Một em bé bị suy dinh dưỡng ở Somalia đang được chuyên viên UNICEF khám. Ảnh: Tân Hoa Xã/Getty Images |
Cũng theo UNICEF, khoảng 1,4 triệu trẻ em - nhiều hơn số dân của San Diego, California, Mỹ - sẽ phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cấp vào năm 2017.
Theo ông Steven Lauwerier, đại diện của UNICEF tại Somalia, “Tình trạng hạn hán cùng với bệnh dịch và sự dịch chuyển liên tục có ảnh hưởng rất nguy hiểm đối với trẻ em, chúng ta cần phải có nhiều biện pháp kịp thời và hữu hiệu hơn để cứu nhiều mạng sống bé nhỏ hơn.”
Theo ước tính của UNICEF, trong số 1,4 triệu trẻ em bị ảnh hưởng, có khoảng 275.000 trẻ em đã, đang hoặc sẽ phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng có thể đe dọa đến mạng sống trong năm 2017 này. Suy dinh dưỡng cấp tính là một hình thức rất nghiêm trọng của thiếu ăn, làm cho cơ thể suy nhược, sút cân và có thể khiến trẻ em dễ mắc bệnh nguy hiểm như bệnh tả, sởi và tiêu chảy cấp.
Kể từ tháng 11-2016, khoảng 615.000 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã buộc phải rời bỏ khỏi nơi ở tại Somalia do hạn hán kéo dài, sau đó chính phủ nước này phải công bố tình trạng thảm họa cấp quốc gia.
Những người buộc phải di rời là những người chăn nuôi gia súc đến từ phương bắc, đã mất toàn bộ những tài sản lớn nhất là đàn gia súc của mình, hoặc là những nông dân ở miền nam đất nước, vùng đất khô cằn do thiếu mưa trong thời gian dài. Trong những chuyến đi tưởng chừng như bất tận của mình, họ không biết sẽ phải kiếm cái ăn và nước uống ở đâu. Rất nhiều trong số các nguồn nước mà họ sử dụng đều bị ô nhiễm, khiến họ có nguy cơ bị nhiễm các bệnh lây qua đường nước uống và tiêu hóa.
“Họ phải chứng kiến sinh kế của mình bị xóa sổ. Chẳng còn lại gì cho những đứa trẻ đáng thương,” Giám đốc truyền thông của UNICEF Somalia Susannah Price cho biết.
Trong khi đó, bệnh sốt rét đang có nguy cơ bùng nổ và số ca mắc bệnh tả đang gia tăng chóng mặt. Theo bà Price, những căn bệnh này lây truyền với tốc độ chóng mặt ở nhiều trại tập trung bị quá tải, đồng thời, những đứa trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Những người dân Somalia buộc phải di rời khỏi quê hương do hạn hán. Ảnh AFP |
“Những đứa trẻ yếu đến nỗi, nếu chỉ bị tiêu chảy hoặc sở hay bất kỳ một bệnh nào như vậy, chúng đều có nguy cơ tử vong. Đây thực sự là một tình trạng đáng báo động,” bà Price nói.
Theo tổ chức Oxfam International, khoảng 2,9 triệu người ở Somalia đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức “khủng hoảng” và “đáng báo động”. Tình trạng thiếu ăn đang hoành hành có thể trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến nạn đói nếu như không đủ lượng mưa từ tháng Tư đến tháng Sáu hoặc người dân không còn đủ khả năng chi trả cho thực phẩm. Thực trạng thiếu hỗ trợ nhân đạo cũng có thể làm cho tình hình trỏe nên tồi tệ hơn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu tình trạng hiện nay ở Somalia không được cải thiện mà trở thành nạn đói trên diện rộng, nó sẽ đánh dấu nạn đói lần thứ 3 tại đất nước này trong vòng hơn 25 năm qua.
Nhờ có kế hoạch và nguồn hỗ trợ sớm, UNICEF và các tổ chức đối tác đã có thể tăng cường hỗ trợ cho người dân Somalia. Hơn 1 triệu người bị ảnh hưởng bởi hạn hán đã được cung cấp nguồn nước sạch tạm thời, một con số tăng đáng kể so với 300.000 người được hỗ trợ hồi tháng Một vừa qua. Hơn 390.000 trẻ em và phụ nữ đang được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, bao gồm cả tiêm vaccine khẩn cấp. Đồng thời, 64 cơ sở chữa trị bệnh tả đã xử lý hơn 28.400 ca bệnh tính đến ngày 23-4, so với con số 15.600 ca bệnh được chữa trị trong cả năm 2016.
Các mạnh thường quân cũng đã nỗ lực để giúp đỡ người dân đất nước châu Phi này, với hy vọng có thể tránh được tình trạng như hồi năm 2011, đã khiến cho 250.000 người thiệt mạng. Tính đến ngày 2-5-2017, UNICEF đã nhận được khoảng 78 triệu USD, đạt 50% số tiền dự tính cần để hỗ trợ cải thiện tình trạng tại Somalia.