Đức tìm ra nguyên nhân gây đông máu sau khi tiêm vaccine COVID-19
- Mỹ dừng tiêm vaccine Johnson & Johnson vì sự cố đông máu
- Chưa có bằng chứng về việc tăng nguy cơ đông máu sau khi tiêm vaccine
- Châu Âu thận trọng với vaccine COVID-19 sau "sự cố" đông máu?
Theo The Guarđian, Giáo sư Rolf Marschalek thuộc Đại học Goethe ở Frankfurt, Đức cùng các đồng nghiệp trong nhóm nghiên cứu tình trạng đông máu hiếm gặp khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tuyên bố đã tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Các trường hợp đông máu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca và Johnson & Johnson, dù hiếm gặp, nhưng tiềm ẩn nguy cơ ở những người trẻ tuổi, nhóm đối tượng có nguy cơ bị đông máu cao hơn sau khi tiêm vaccine. Theo The Guardian, Anh ghi nhận 309 trường hợp bị đông máu trong số 33 triệu người đã tiêm vaccine AstraZeneca.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Đức được cho là vẫn cần thời gian thực nghiệm. Ảnh: TG |
Theo Giáo sư Rolf Marschalek, mấu chốt nằm ở adenovirus - một loại virus cảm lạnh thông thường được sử dụng trong điều chế vaccine AstraZeneca và Johnson & Johnson để đưa protein đột biến của virus SARS-CoV-2 vào cơ thể.
Các vaccine mRNA do Pfizer / BioNTech và Moderna phát triển không sử dụng cơ chế này và không phát sinh các trường hợp đông máu có liên quan.
Vì thế, các nhà khoa học tin rằng vector adenovirus "gửi chuỗi gene ADN của protein đột biến vào nhân tế bào chứ không phải dịch bào bên trong tế bào nơi virus thường tạo ra protein".
Về lý thuyết, một khi protein xâm nhập vào nhân, một số thành phần của gai protein sẽ tách rời hoặc liên kết và tạo ra các phiên bản đột biến. Những protein đột biến này không thể liên kết với màng tế bào, khiến chúng có thể kích hoạt các cục máu đông có khả năng gây tử vong.
Từ đó, ông Marschalek lập luận, nghiên cứu cho thấy các nhà phát triển vaccine có thể "sửa đổi trình tự của protein đột biến" để nó không bị tách rời. Ông cho biết Johnson & Johnson đã liên hệ với phòng thí nghiệm của mình "để yêu cầu hướng dẫn" cách cải tiến vaccine.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khác vẫn còn hoài nghi về nghiên cứu của Giáo sư Marschalek. "Đây vẫn là một giả thuyết cần được chứng minh bằng dữ liệu thực nghiệm", Johannes Oldenburg, giáo sư tại Đại học Bonn ở Đức chia sẻ.