Hàng trăm trẻ em bỏ mạng và mất tích sau vụ núi lửa phun trào tại Congo
- Núi lửa Etna phun trào đài dung nham 1.500 mét
- Bầu trời rực đỏ khi núi lửa "mạnh nhất thế giới" phun trào
Nyiragongo phun trào suốt một ngày đêm từ hôm 22/5. Ảnh: Reuters. |
Nhiều hình ảnh rợn người về những dòng nham thạch đỏ rực phun ra từ miệng núi lửa Nyiragongo, CHDC Congo, đã trở thành tâm điểm trên các trang mạng xã hội và truyền thông quốc tế những ngày qua.
Phun trào suốt một ngày đêm từ hôm 22/5, những dòng nham thạch này đã phá hủy một đường ống dẫn nước, ảnh hưởng đến 17 ngôi làng, ba trung tâm y tế, một trường tiểu học ở gần thành phố Goma, thủ phủ tỉnh Bắc Kivu, phía Đông CHDC Congo.
Hàng trăm người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất ở CHDC Congo. Ảnh: AP. |
UNICEF đang thiết lập các trung tâm giúp đỡ trẻ bị lạc hoặc mất người thân trong thảm họa. Ảnh: Reuters. |
Giới chức nước này thông tin, ít nhất 15 người đã thiệt mạng, hơn 25.000 người phải sơ tán và hơn 500 ngôi nhà bị hư hại. Theo Văn phòng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), hơn 170 trẻ em vẫn mất tích trong vụ việc này. Hiện UNICEF đang thiết lập các trung tâm giúp đỡ trẻ bị lạc hoặc mất người thân trong thảm họa.
Dung nham cũng đã tràn qua một cao tốc chính hướng về phía Bắc từ Goma, cắt đứt tuyến viện trợ chính và gây đình trệ hoạt động cung cấp điện cho khu vực bị ảnh hưởng.
Nhiều gia đình đã chạy sang Rwanda để tị nạn. Ảnh: AP. |
Được biết, chính quyền địa phương đã kêu gọi người dân tiếp tục tránh các hoạt động không thiết yếu, trước lo ngại các diễn biến địa chất trong khu vực vẫn có thể gây thêm thiệt hại. Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ quốc tế thông báo, khoảng 3.000 - 5.000 người đã chạy sang Rwanda.
Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc tại CHDC Congo đã triển khai nhiều chuyến bay trinh sát, theo dõi chặt chẽ tình hình sau vụ phun trào của núi lửa.
Đây là lần phun trào mới nhất của núi lửa Nyiragongo - từ một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất và nguy hiểm nhất thế giới. Trước đó, năm 2002, ngọn núi này cũng đã phun trào khiến hàng trăm người chết và hơn 100.000 người phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất.