G20 có khả năng không đưa ra được tuyên bố chung
Các nước thành viên G20 vẫn đang loay hoay để đạt được một thỏa thuân về một số vấn đề chính, bao gồm thương mại, di cư và biến đổi khí hậu, khi các nhà lãnh đạo thế giới đã đến thành phố đăng cai G20 năm nay, Buenos Aires, Argentina.
Lực lượng chức năng của Argentina thực hiện nhiệm vụ bảo vệ một khu vực diễn ra sự kiện. Ảnh Reuters. |
“Đây không phải là một năm thuận lợi của chủ nghĩa đa phương”, Reuters trích dẫn một nguồn tin của chính phủ Đức liên quan đến một tuyên bố mà các nhà lãnh đạo G20 sẽ đưa ra sau khi tất cả các cuộc hội đàm kết thúc. Những cuộc đàm phán đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nguồn tin này cho biết.
Theo nhiều chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn sẽ phủ bóng phần lớn các cuộc họp của G20 trong năm nay.
Nhiều người cũng băn khoăn là trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không tin vào vấn đề nóng lên toàn cầu thì tuyên bố chung về vấn đề này tại G20 sẽ đi về đâu.
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay dự kiến sẽ là một trong những hội nghị quan trọng nhất kể từ cuộc gặp năm 2008 khi các thành viên lên kế hoạch ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế năm đó.
Thị trường tài chính và hàng hóa đang theo dõi sát sao kết quả của hội nghị thượng đỉnh năm nay, đặc biệt là cuộc gặp đã được lên kế hoạch trước của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 1-12 tới.
Nền kinh tế toàn cầu sẽ càng trở nên đình trệ hơn nếu Tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục với kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá đến 200% lên 25%, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Angel Gurria cho biết.
Ông Gurria cho biết mức thuế 10% mà Mỹ đang áp lên những hàng hóa từ Trung Quốc sẽ làm hụt mất 0,2% tổng sản phẩm toàn cầu vào năm 2020.
Argentina, nước chủ nhà của G20 năm nay, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị năm nay là một diễn đàn nhằm xây dựng sự đồng thuận. Tuy nhiên, những sự chia rẽ vẫn còn đó và làm nổi bật lên rằng sự phân mảnh trong nhóm các quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới đã trở thành một trong những vấn đề toàn cầu.
Một quan chức của G20 cho biết sau khoảng hơn hai ngày, khoảng 2/3 của tuyên bố chung đã được hoàn thành.
“Hiện tại, thương mại, khí hậu, di cư, tị nạn, đa phương, thép là những vấn đề gai góc và chưa chắc đã đạt được đồng thuận”, Reuters dẫn lời quan chức trên.
Một đoàn đại biểu của châu Á cho biết các cuộc thảo luận đóng thì “tiến triển rất chậm, quá chậm” đến nỗi mà các đại biểu nghĩ rằng họ có thể sẽ phải “ở lại phòng họp quá nửa đêm, một lần nữa”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29-11 cho biết, ông rất sẵn lòng đàm phán một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nhưng không chắc sẽ là một thỏa thuận mà ông mong muốn.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang tiến đến việc phải làm gì đó với Trung Quốc nhưng tôi vẫn chưa biết là tôi muốn gì”, ông Trump cho hay.