G20 thúc đẩy chủ nghĩa đa phương
- Hội nghị Ngoại trưởng G20 thúc đẩy thương mại tự do và công bằng
- Trao Công hàm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Anh
Lần đầu tiên từ khi dịch COVID-19 khởi phát, ngoại trưởng Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 29/6 đã nhóm họp trực tiếp ở thành phố Matera miền Nam Italy - nước đang giữ vai trò Chủ tịch G20. Theo Reuters, hầu hết ngoại trưởng các nước G20 đã có mặt tại Italy, trong khi ngoại trưởng Trung Quốc, Brazil và Australia dự hội nghị trực tuyến, còn Nga và Hàn Quốc cử cấp thứ trưởng tham dự.
So với Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hai tuần trước, cuộc họp G20 lần này không thu hút quá nhiều sự chú ý của giới truyền thông quốc tế, song sự kiện này vẫn được đánh giá là dịp quan trọng để các nền kinh tế hàng đầu thế giới - gồm cả các nước phương Tây và Nga, Trung Quốc - cùng nhau đưa ra cam kết cụ thể hướng tới thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu như đại dịch COVID-19.
Ngoại trưởng các nước G20 nhóm họp ở Italy.Ảnh: Reuters |
Trước bối cảnh thế giới đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, Ngoại trưởng G20 đã tập trung vào các biện pháp đảm bảo quyền tiếp cận công bằng trên toàn thế giới với vaccine. Các nhà ngoại giao hàng đầu G20 cũng thảo luận về các thách thức mà thế giới phải ứng phó hậu COVID-19 như đảm bảo thương mại đa phương, tình trạng mất việc làm của hàng chục triệu người trên toàn cầu…
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio nhấn mạnh, sự xuất hiện của COVID-19 "cho thấy rõ sự cần thiết phải có phản ứng quốc tế đối với các tình huống khẩn cấp, vượt qua ngoài các biên giới quốc gia". Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định tầm quan trọng của việc sớm đưa vaccine COVID-19 tới các nước thu nhập thấp.
"Để chấm dứt đại dịch, chúng ta phải đảm bảo cung cấp vaccine nhiều nơi hơn (trên thế giới)", ông Blinken nói, cho biết thêm cuộc khủng hoảng gây ra bởi COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng toàn cầu và G20 có trách nhiệm tiếp tục hỗ trợ các nước thu nhập thấp giải quyết gánh nặng nợ. "Chúng ta cần hợp tác và chúng ta cần làm điều đó hiệu quả. Chủ nghĩa đa phương khiến điều đó có thể thực hiện được", Ngoại trưởng Mỹ phát biểu.
Vấn đề nổi bật khác được nêu lên tại cuộc họp lần này là tình hình an ninh châu Phi. Trong bối cảnh tốc độ lây lan COVID-19 chưa thực sự thuyên giảm, lục địa này gặp nhiều khó khăn nhất trong ứng phó với dịch bệnh, cũng như đương đầu với nhiều khó khăn khác về kinh tế, xã hội. "Tôi cho rằng G20 có nghĩa vụ hỗ trợ châu Phi vượt qua giai đoạn khó khăn này và tiến tới thời kỳ phát triển ổn định, bền vững hơn", Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio nêu thông điệp.
Châu Phi được cho là lí do khiến an ninh lương thực lần đầu tiên được đưa vào chương trình nghị sự tại cuộc họp của các nhà ngoại giao hàng đầu G20. Bên cạnh tác động của COVID-19, cảnh hạn hán gây ra nạn đói ở một số nước đang phát triển, xuất khẩu lương thực bị hạn chế, các nước G20 cam kết sẽ cùng thế giới xây dựng các chuỗi lương thực đồng đều và vững chắc để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho tất cả mọi người, nhất là ở châu Phi, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 "không còn nạn đói" như Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. G20 thừa nhận thế giới đang đi "không đúng hướng" trong tiến trình xóa bỏ nạn đói vào năm 2030.
Ngoại trưởng G20 cho rằng, với xu hướng hiện nay, số người bị ảnh hưởng bởi nạn đói sẽ vượt quá 840 triệu người vào năm 2030, chưa tính đến khoảng 100 triệu người có thể mất việc làm và thu nhập vì COVID-19, dẫn đến hậu quả về an ninh lương thực.
Truyền thông khu vực nhận định, đề tài châu Phi nhiều khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện trong Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Italy vào tháng 10-2021. Sự quan tâm của nước chủ nhà dành cho vấn đề này không phải là ngẫu nhiên. Chỉ riêng nửa đầu năm 2021, Italy đã tiếp nhận tới hơn 10.000 người tị nạn châu Phi, dù con số này đã giảm nhiều so với những năm trước do dịch bệnh. Với hệ thống y tế kiệt sức sau đợt chống dịch vừa qua cùng lượng vaccine COVID-19 có hạn, dòng người nhập cư lớn có thể khiến Italy quá tải.
Theo Nikkei Asia, biến đổi khí hậu cũng là chủ đề rất được quan tâm, trong bối cảnh thế giới đang ngày càng chứng kiến những tác động xấu từ quá trình này. Một số thành viên G20, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu, đã cam kết trung hòa mức phát thải khí nhà kính vào năm 2050, dù nhu cầu về điện than giá rẻ vẫn còn cao ở các nước đang phát triển. Điều này đặt ra áp lực lớn cho Trung Quốc, quốc gia tạo ra khoảng 30% lượng khí thải toàn cầu.
"Bên cạnh những khác biệt trên bàn đối thoại G20, tất cả chúng ta đều đồng ý rằng, về biến đổi khí hậu, chúng ta phải hợp tác. Và ngay cả khi còn đó những khác biệt, chúng ta phải cố gắng hết sức để cùng nhau giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu hướng tới quá trình phát triển bền vững", Ngoại trưởng chủ nhà Di Maio phát biểu.