G7 đưa ra "tin xấu" cho các thiên đường thuế quan
Các bộ trưởng tài chính của các nước G7. Ảnh Reuters. |
Nhóm G7 đã đồng ý ủng hộ kế hoạch thúc ép các công ty đa quốc gia phải trả nhiều thuế hơn tại các thị trường mà họ kinh doanh, một động thái có thể huy động hàng trăm tỷ USD để giúp đối phó với hậu quả của COVID-19,
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết: “Các bộ trưởng tài chính G7 đã đạt được một thỏa thuận lịch sử nhằm cải cách hệ thống thuế toàn cầu để phù hợp với kỷ nguyên kỹ thuật số toàn cầu”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết “cam kết quan trọng, chưa từng có tiền lệ” này sẽ kết thúc điều mà bà gọi là cuộc chạy đua về thuế toàn cầu.
Thỏa thuận, vốn dĩ mất nhiều năm mới đạt được, cũng hứa hẹn sẽ chấm dứt các khoản thuế dịch vụ kỹ thuật số quốc gia được Anh và các quốc gia châu Âu khác áp dụng, nhưng Mỹ lại cho là đã nhắm mục tiêu không công bằng vào các gã khổng lồ công nghệ của nước này.
Tuy vậy, biện pháp này sẽ chỉ đi vào hiệu lực nếu đạt được sự đồng thuận tại cuộc họp của nhóm G20, dự kiến diễn ra vào thời gian tới tại Venice, Italy.
Bộ trưởng Tài chính Anh cho rằng “quá trình này không dễ dàng” và “đây chỉ là bước khởi đầu”.
Các bộ trưởng cũng đồng ý hướng tới việc yêu cầu các công ty đa quốc gia tuyên bố tác động môi trường của họ theo cách tiêu chuẩn hơn để các nhà đầu tư có thể dễ dàng quyết định xem có nên cấp vốn cho họ hay không. Đây là một mục tiêu quan trọng của Anh.
Các quốc gia phát triển hàng đầu này đã mất nhiều năm đàm phán để đi phương án tăng thêm doanh thu từ các công ty đa quốc gia lớn như Google, Amazon và Facebook, những công ty thường đăng ký ghi nhận lợi nhuận trong các khu vực pháp lý nơi họ trả chỉ phải ít hoặc không phải trả thuế.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tạo động lực mới cho cuộc đàm phán bị đình trệ này bằng cách đề xuất mức thuế công ty toàn cầu tối thiểu là 15%, cao hơn mức ở các nước như Ireland nhưng dưới mức thấp nhất trong G7.
Đức và Pháp cũng hoan nghênh thỏa thuận này, mặc dù Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết ông sẽ đấu tranh để đạt được mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu cao hơn 15%, điều mà ông mô tả là “điểm khởi đầu”.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho rằng thỏa thuận này là “tin xấu đối với các thiên đường thuế trên khắp thế giới”. Ông nói thêm: “Các công ty sẽ không còn có thể trốn tránh nghĩa vụ thuế bằng cách đặt lợi nhuận của họ ở các quốc gia có mức thuế thấp nhất”.
Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe, quốc gia có khả năng chịu tổn thất lớn với mức thuế 12,5%, cho biết bất kỳ thỏa thuận toàn cầu nào cũng cần tính đến các quốc gia nhỏ hơn.
Bộ trưởng Tài chính Anh lại cho rằng thỏa thuận này là một “giải thưởng lớn” cho những người đóng thuế, nhưng vẫn còn quá sớm để biết nó sẽ huy động được bao nhiêu tiền cho Anh.
Thỏa thuận này không đề cập rõ những doanh nghiệp nào sẽ được điều chỉnh bởi các quy tắc mới, chỉ nhắc đến “các doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất”.
Các nước châu Âu lo ngại rằng một doanh nghiệp như Amazon có thể lọt lưới khi công ty này báo cáo tỷ suất lợi nhuận thấp hơn hầu hết các công ty công nghệ nổi tiếng khác.