Hải quân Mỹ cảnh giác cao độ sau khi Tổng thống Trump rút khỏi JCPOA
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8-5 vừa qua đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được dưới thời người tiền nhiệm, được gọi là JCPOA.
Quyết định này của ông chủ Nhà Trắng đã làm mất lòng những đồng minh thân cận nhất của ông tại châu Âu, đồng thời gây ra tình trạng bất ổn trong nguồn cung dầu toàn thế giới cũng như tình trạng bất ổn tại Trung Đông.
"Đây là một giai đoạn đầy bất ổn và chúng tôi vẫn phải cảnh giác, thậm chí nhiều hơn một chút so với thông thường để có thể phản ứng kịp thời đối với bất cứ hành động hoặc diễn biến mới nào", Tư lệnh Tác chiến Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson trao đổi với báo chí hôm 14-5, theo Reuters.
Tuyên bố trên được ông Richardson đưa ra sau chuyến thăm thăm tàu sân bay George H.W. Bush ngoài khơi bờ biển Virginia, nơi quân đội Mỹ và Pháp đang tiến hành quá trình đào tạo chung.
Tư lệnh Tác chiến Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson. Ảnh: Reuters. |
Ông Richardson cũng xác nhận Hải quân Mỹ "không ghi nhận hành vi khiêu khích nào" từ Iran ở vùng Vịnh kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, nhưng vẫn theo dõi chặt chẽ.
Trong những năm gần đây, Quân đoàn Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC), một nhánh của lực lượng vũ trang Iran, và quân đội Mỹ luôn có những cuộc đối đầu định kỳ ở vùng Vịnh, một tuyến giao thương dầu mỏ lớn, song không có sự cố nghiêm trọng nào xảy ra từ năm ngoái đến nay.
Tháng 8 năm ngoái, giới chức Mỹ cho biết một máy bay không người lái của Iran được phát hiện chỉ ở cách một máy bay chiến đấu của Mỹ khoảng 30 m khi nó chuẩn bị hạ cánh xuống tàu sân bay ở vùng Vịnh.
Iran luôn tin rằng nước này có quyền lợi hợp pháp trong việc mở rộng ảnh hưởng ở vùng Vịnh, khẳng định rằng khu vực sẽ tự duy trì an ninh chung mà không cần có sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài.