Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ sẽ bàn về vấn đề gì?

07:53 29/05/2021
Hôm 24/5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ và truyền thông Nga thông báo cuộc gặp thượng đỉnh được chờ đợi bấy lâu giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ diễn ra ngày 16/6 tại Geneva (Thụy Sĩ).


Hiện cộng đồng quốc tế đang rất quan tâm tới nội dung chương trình nghị sự của cuộc gặp, nói cách khác là các nhiệm vụ mà các bên tự đặt ra cho cuộc họp và kết quả mà họ mong đợi. Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ lần này không phải là một cuộc tiếp xúc ngắn bên lề một diễn đàn lớn, và nó phải kết thúc với những thỏa thuận thực sự hoặc ít nhất là một kế hoạch cho những động thái tiếp theo. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề tồn tại giữa hai bên.

Chuyên gia quan hệ quốc tế Vladimir Frolov chỉ ra rằng, đầu tiên là lập trường hai bên hiện chưa thống nhất. Đối với Tổng thống Vladimir Putin, một Hội nghị Thượng đỉnh do người đồng cấp Joe Biden khởi xướng trên thực tế là một thành công về chính sách đối ngoại của Nga, như ông từng nói “khiến ông ấy (Tổng thống Joe Biden - PV) tính đến lợi ích của chúng tôi”.

Người đứng đầu Điện Kremlin đã cho ông chủ Nhà Trắng thấy rằng ông không phải là người duy nhất quyết định chương trình nghị sự hiện tại cho quan hệ Nga – Mỹ và Washington cần tương tác với Moscow vì lợi ích của Mỹ. Nga quan tâm đến tác động của các chính sách của Mỹ đối với các vấn đề quốc tế quan trọng đối với Moscow và cách giải quyết các vấn đề đó.

Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Vladimir Putin. Ảnh: AP

Trong khi đó, đối với Tổng thống Joe Biden, Hội nghị Thượng đỉnh mà ông khởi xướng giống như một sự nhượng bộ đối với người đồng cấp Vladimir Putin mà không có tác dụng tích cực rõ ràng đến lợi ích của Mỹ. Thứ hai liên quan tới yếu tố Trung Quốc. Tổng thống Mỹ và êkíp của ông đã vạch ra ý định của họ cho Hội nghị Thượng đỉnh lần này, đó là cố gắng tiếp xúc trực tiếp với nhà lãnh đạo Nga để tìm hiểu xem liệu có khả năng giảm căng thẳng trong quan hệ Nga – Mỹ, đưa mối quan hệ này trở nên ổn định hơn và có thể dự đoán được.

Cá nhân ông Joe Biden cũng nói về nhu cầu giảm leo thang trong quan hệ song phương. Nhưng đây không phải là bằng chứng cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn ưu tiên quan hệ với Nga. Ngược lại, mong muốn “đưa quan hệ Nga – Mỹ trở nên ổn định và có thể dự đoán được” cho thấy Washington đánh giá Moscow là “vấn đề thứ yếu”, không nên dành quá nhiều thời gian và nguồn lực, mà cần tập trung vào vấn đề chính – cuộc đối đầu chiến lược với Trung Quốc và giải quyết các vấn đề nội bộ của Mỹ.

Do vậy, cuộc gặp thượng đỉnh lần này, nếu không lôi kéo được ông chủ Điện Kremlin đứng về phía Mỹ trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh, ông Joe Biden muốn biết liệu có thể khiến Moscow đồng ý “kiềm chế” không gây khó dễ cho chương trình nghị sự chính trị của Washington hay không. Và cái giá phải trả cho “sự kiềm chế của Nga” là gì?

Tiếp theo, “giảm căng thẳng” cũng là yêu cầu của Mỹ đối với Nga. Nội dung chính của các cuộc đàm phán ở cấp cao nhất sẽ là thống nhất về một danh sách các lĩnh vực giảm leo thang căng thẳng. Kết quả có thể là một cuộc đối thoại về một số chủ đề mà Tổng thống Joe Biden đang tích cực thúc đẩy và Tổng thống Vladimir Putin cũng mong muốn đối thoại. Đồng thời, không ai có thể đảm bảo rằng đối thoại sẽ thành công, vì lập trường của các bên trong hầu hết các trường hợp là không thống nhất. Tình hình căng thẳng hoàn toàn có thể kéo dài.

Cuối tháng 4/2021, Bộ Ngoại giao Nga cho biết an toàn thông tin quốc tế là một vấn đề quan trọng đối với Moscow và Washington, nên chủ đề này chắc chắn sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh. Từ lâu, Nga đã tìm cách thúc đẩy chủ đề này, thậm chí vào tháng 9/2020, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố Mỹ và Nga nên nhất trí ngừng các cuộc tấn công mạng vào nhau, nhưng Washington không phản ứng gì vì vào thời điểm đó, chiến dịch tranh cử tổng thống đã đi vào giai đoạn quyết liệt. Nói chung, cuộc đối thoại có thể sẽ được tiếp tục, nhưng khả năng đạt được bước đột phá là không cao.

Ukraine cũng là một trong những chủ đề chính của các cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ. Việc Nhà Trắng yêu cầu một cuộc đối thoại về Ukraine tạo ra một tình thế thuận lợi cho Điện Kremlin. Vị thế của Ukraine trong hệ thống phân cấp lợi ích của Mỹ bị giảm xuống là một trong những yếu tố làm giảm căng thẳng trong quan hệ với Nga. Mỹ công khai không ủng hộ đòi hỏi của Tổng thống Ukraine về việc sửa đổi các thỏa thuận Minsk và liên tục đưa ra các khuyến nghị với Kiev để đảm bảo tính “có thể dự đoán được” cho các hành động của nước này.

Trong khi đó, Nga muốn chính quyền Tổng thống Joe Biden buộc Ukraine tuân thủ thỏa thuận Misnk. Tuy nhiên, điều mà Moscow mong đợi chắc sẽ không xảy ra. Những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chuyến thăm Ukraine ngày 6/5 cho thấy không có cơ hội giải quyết các vấn đề mà Nga đặt ra.

Ngoại trưởng Mỹ đã nhấn mạnh sự cần thiết phải khôi phục sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Ukraine ở Donbass và Crimea, và coi tính chất cuộc xung đột hiện nay là giữa Nga và Ukraine chứ không phải là vấn đề nội bộ của Ukraine. Do vậy, kết quả tối đa có thể đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ lần này là lời kêu gọi giải quyết vấn đề thông qua đàm phán; nếu may mắn, hai bên có thể đề cập thêm cụm từ “dựa trên việc thực hiện thỏa thuận Minsk”.

Sau Ukraine là vấn đề Afghanistan. Đối thoại với Mỹ về giải quyết vấn đề Afghanistan đã được tiếp tục dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump và nhìn chung đã có kết quả. Đến nay, sau khi đưa ra quyết định rút quân khòi Afghanistan trước ngày 11/9/2021, Mỹ đang xem xét làm thế nào để bảo toàn ảnh hưởng quân sự của mình đối với Taliban và chi nhánh của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở tỉnh Khorasan (Afghanistan) từ lãnh thổ các quốc gia tại Trung Á như Tajikistan và Uzbekistan.

Về phần mình, Nga đã bắt tay vào quá trình đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Á – Âu. Moscow không hài lòng với kế hoạch dù rút quân nhưng vẫn đảm bảo ảnh hưởng quân sự của Mỹ và về lý thuyết, sẽ ngăn chặn nó bằng mọi cách có thể. Tuy nhiên, do Nga và Mỹ đã từng đạt được nhiều thỏa thuận ngừng các hoạt động thù địch ở Syria năm 2016, liệu hai bên có thể lên kế hoạch cho một thỏa thuận tương tự ở Afghanistan hay không?

Không biết liệu hai Tổng thống có thời gian để thảo luận về tình hình căng thẳng xung quanh hoạt động của các cơ quan ngoại giao của Nga và Mỹ hay không. Việc hai bên có các đòn đáp trả lẫn nhau đã không còn hợp lý, và các biện pháp trả đũa quyết liệt hơn sẽ không còn tác dụng. Cách duy nhất là đưa tình hình quay trở lại như trước tháng 12/2016, và chỉ cần các nhà lãnh đạo đưa ra mệnh lệnh là đủ. Tuy nhiên, Nga sẽ phải đưa Mỹ ra khỏi danh sách “các quốc gia không thân thiện” và có vẻ như điều này trong ngắn hạn khó có thể xảy ra. Trường hợp các công dân Nga và Mỹ bị bỏ tù ở cả hai nước cũng rất có thể được đưa ra thảo luận.

Ngoại trưởng Antony Blinken đã đề cập tới chủ đề này trong cuộc điện đàm hôm 12/5 với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Nhìn chung, phương án trao đổi các công dân bị giam giữ sẽ là một quyết định đúng đắn, nhưng nó khó có thể thực hiện trong thực tế.

Từ những phân tích trên, có thể nêu ra hai dấu hiệu cho thấy thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ. Thứ nhất là liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden có hoãn việc áp dụng giai đoạn thứ hai của các lệnh trừng phạt sau ngày 2-6 liên quan tới vụ chính trị gia đối lập Alexei Navalny bị đầu độc, bao gồm khả năng thắt chặt các hạn chế đối với nợ quốc gia của Nga. Nếu các biện pháp trừng phạt không được đưa ra trước Hội nghị Thượng đỉnh, điều này sẽ làm tặng niềm hy vọng về một kết cục thành công của cuộc gặp.

Dấu hiệu thứ hai là Tổng thống Mỹ có ủng hộ sáng kiến của người đồng cấp Nga tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh gồm các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thảo luận về các vấn đề toàn cầu và các quy tắc của trật tự thế giới hay không?!

Minh Hải (tổng hợp)

Các nguồn thạo tin ngày 24/12 cho hay, thời gian gần đây, Nga đã tiến hành nhiều đợt phản công lớn tại Kursk. Cường độ các cuộc tấn công cho thấy quyết tâm của Tổng thống Vladimỉr Putin nhằm loại bỏ con bài mặc cả của Ukraine trong bối cảnh sức ép đàm phán gia tăng trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào tháng 1/2025.

Những ngày này, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội nơi có Nhà thờ Lớn đón rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, vui chơi và đón lễ Giáng sinh. Nhằm đảm bảo cho nhân dân được đón lễ Giáng sinh, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí an ninh, an toàn, Công an phường Hàng Trống đã lập kế hoạch, tham mưu cho Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chính quyền địa phương tổ chức các phương án phân luồng giao thông và giữ gìn an ninh trật tự (ANTT).

Năm 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới ban hành năm 2018. Học sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số 9 môn tính điểm còn lại của chương trình lớp 12.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc vào cuối năm 2025 hoặc giữa năm 2026, với một kịch bản tiêu cực cho Ukraine, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bất ngờ đề cập đến việc sẽ sớm trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc xung đột này.

Tối 23/12, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT) cho biết, Tổ công tác của đơn vị làm nhiệm vụ tại Km188 (Khu vực Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) vừa kịp thời dùng ô tô đặc chủng đưa 1 cháu bé đi cấp cứu.

Tối 23/12 (giờ địa phương), tân Thủ tướng Pháp François Bayrou đã chính thức công bố thành phần nội các mới sau hơn 2 tuần kể từ khi được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm. Ông François Bayrou bày tỏ tự hào và tin tưởng vào một chính phủ được xây dựng hướng tới sự cân bằng với kinh nghiệm trong việc hòa giải và khôi phục niềm tin với tất cả người dân Pháp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文