Israel có chính phủ mới, giải tỏa thế bế tắc chính trị

07:55 15/05/2020
Chính phủ mới của Israel chính thức được thành lập nhờ thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa đương kim Thủ tướng Benjamin Netanyahu và cựu tướng quân đội Benny Gantz, theo đó chấm dứt 18 tháng bế tắc chính trị, qua ba cuộc tổng tuyển cử liên tiếp.


Times of Israel đêm 14-5 (giờ địa phương) dẫn lời ông Benjamin Netanyahu cho biết chính phủ mới của Israel, dẫn đầu bởi ông, sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 17-5 ngay sau khi được quốc hội nước này thông qua trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mang tính nghi thức. 

Buổi lễ ban đầu được lên lịch diễn ra vào ngày 14-5 nhưng lùi đến 17-5 để hoàn tất việc chọn lựa các bộ trưởng. Đây là thành quả của thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh giữa đảng Likud cánh hữu của ông Netanyahu và liên đảng Xanh-Trắng của cựu tham mưu trưởng quân đội Benny Gantz.

Theo thỏa thuận, trong 18 tháng đầu tiên nhiệm kỳ, ông Netanyahu đảm nhận vị trí Thủ tướng còn ông Gantz giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Từ tháng 11/2021, ông Gantz sẽ lên nắm ghế Thủ tướng. Về thành phần nội các, từ nay đến tháng 11/2020, Chính phủ Israel sẽ có 32 bộ trưởng, chia đều cho hai khối đảng của ông Netanyahu và ông Gantz. Ở giai đoạn còn lại của nhiệm kỳ, số bộ trưởng tăng lên 36 người, trở thành chính phủ có nhiều bộ trưởng nhất lịch sử Nhà nước Israel. 

Việc chính phủ mới được thành lập đã chính thức chấm dứt chuỗi 18 tháng bế tắc chính trị ở Israel. Trong ba cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 4, tháng 9/2019 và tháng 3/2020, đảng Likud và đảng Xanh-Trắng thay nhau giành được nhiều ghế nhất tại quốc hội, nhưng cả hai chưa lần nào đạt đủ thế đa số 61/120 ghế để tự thành lập chính phủ. Ông Netanyahu và ông Gantz từng lần lượt được Tổng thống Israel Reuven Rivlin chỉ định đứng ra đàm phán thành lập chính phủ liên minh nhưng hai ông đều thất bại, đẩy nước này vào tình thế chưa từng có trong lịch sử.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bắt tay cùng Tổng thống Reuven Rivlin và ông Benny Gantz. Ảnh: EPA

Sau vài tháng thương lượng với mọi phương án được tính đến, cuối tháng 4 vừa qua, truyền thông Israel cho hay hai ông Gantz và Netanyahu đã tiến đến thỏa thuận chia sẻ quyền lực để tránh đẩy đất nước vào cuộc bầu cử lần thứ tư. Ban đầu, một số nghị sĩ Israel kiến nghị cơ chế luân phiên giữ chức Thủ tướng như đề nghị của ông Gantz và Netanyahu là vi hiến nhưng Tòa án Tối cao Israel đã bác bỏ những kiến nghị đó, dẫn đến việc Quốc hội Israel ngày 8/5 tiến hành phiên bỏ phiếu cho phép ông Netanyahu đứng ra thành lập chính phủ.

Diễn biến vừa qua trên chính trường Israel được mô tả là rất quan trọng nhằm mở đường cho những nỗ lực mạnh mẽ hơn đối phó với dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế mà nó gây ra cho nước này. Đây cũng được xem là thành công lớn với cá nhân ông Netanyahu.

Bước vào loạt cuộc bầu cử khi đối mặt với cáo buộc nhận hối lộ, gian lận và lạm dụng niềm tin trong quãng thời gian 14 năm lãnh đạo đất nước (từ 1996-1999 và từ 2009 đến nay), ông Netanyahu đã vận dụng kinh nghiệm, tầm ảnh hưởng cũng như chiêu chính trị khôn khéo của mình để tiếp tục duy trì vai trò lãnh đạo đất nước.

Dù liên tục khẳng định mình không làm gì sai, nhà lãnh đạo 70 tuổi vẫn nhận trát hầu tòa tại Jerusalem để làm rõ các cáo buộc vào ngày 24/5 tới. Tình hình mới được cho là sẽ giúp ông dễ dàng vượt qua phiên tòa lần này. Phát biểu trước những người ủng hộ hôm 13/5, Thủ tướng Netanyahu nói: “Tôi đã hứa với đất nước Israel rằng một chính phủ khẩn cấp sẽ làm việc để cứu nền kinh tế của người Israel. Chúng ta cần phải thay đổi để cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng này”.

Theo nhận định của giới quan sát, việc ông Netanyahu được nắm quyền giai đoạn đầu của nhiệm kỳ cũng cho thấy chính sách đối ngoại của Israel thời gian tới sẽ duy trì theo hướng đẩy mạnh quan hệ với Mỹ và dự báo sẽ ảnh hưởng đến tình hình Trung Đông, nhất là nỗ lực thúc đẩy giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine. Israel ban đầu dự kiến tổ chức buổi tuyên thệ nhậm chức của chính phủ mới vào ngày 13-5, nhưng khi thông tin về chuyến thăm tới Israel của Ngoại trưởng Mike Pompeo được xác nhận vào ngày này, Israel quyết định dời buổi lễ sang ngày 14.

FoxNews nói rằng trong ngày 13/5, Ngoại trưởng Pompeo đã gặp lần lượt hai ông Netanyahu và Gantz để thảo luận về COVID-19, về Trung Quốc, về ứng phó với Iran và đáng chú ý nhất là kế hoạch của Israel sáp nhập các khu định cư trái phép ở Bờ Tây vào tháng 7 tới. Trong các tuyên bố xung quanh cái gọi là “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” của Mỹ, nước này cho thấy thái độ sẵn sàng công nhận chủ quyền của Israel với khu vực này, dù điều đó đi ngược lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như vấp phải phản đối của Palestine và cộng đồng quốc tế.

Daniel Shapiro, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel dưới thời Barack Obama, nói với giới truyền thông rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump rất muốn việc sáp nhập sớm diễn ra. Shapiro nhận định người đứng đầu Nhà Trắng muốn có thành tựu về ngoại giao để ghi điểm với cử tri trước kì bầu cử vào tháng 11 tới. Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu cũng muốn hoàn tất bản đồ Bờ Tây trước khi có bất kỳ sự thay đổi nào ở Nhà Trắng.

Ông Shapiro cảnh báo, kế hoạch này sẽ tạo ra những rủi ro đáng kể cho hòa bình thế giới, hòa bình khu vực, đồng thời gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ liên minh chính phủ mới của Israel. Trong diễn biến liên quan, giới chức Palestine mới đây nhắc lại cảnh báo họ sẽ hủy bỏ tất cả các thỏa thuận song phương với Israel nếu Tel Aviv sáp nhập khu Bờ Tây.

Từ châu Âu, ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 13/5 đã thảo luận về khả năng trừng phạt kinh tế chống Israel nếu nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền trên vùng đất chiếm đóng.

Thiện Minh

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文