Israel ký thỏa thuận lịch sử với UAE và Bahrain tại Nhà Trắng
- Chuyến đi đa mục đích của Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Đông
- Người dân tập trung đông bên ngoài Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô
- Bahrain - Israel "xích lại gần nhau" với thỏa thuận ngoại giao lịch sử
Hiệp ước Abraham được kí tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters |
Reuters cho biết lễ ký diễn ra chiều 15/9 tại Nhà Trắng. Đại diện Israel là Thủ tướng Benjamin Netanuahu, trong khi UAE và Bahrain cử Ngoại trưởng là các ông Sheikh Abdullah bin Zayed al-Nahyan và Abdullatif Al Zayani tới Mỹ kí văn kiện lịch sử, có tên gọi "Hiệp ước Abraham".
Tổng thống Trump đã chúc mừng Israel, UAE và Bahrain vì “thành quả vượt trội” trong việc nhất trí bình thường hóa quan hệ. “Sau nhiều thập kỷ chia rẽ và xung đột, chúng ta đã ghi dấu buổi bình minh của một Trung Đông mới”, nhà lãnh đạo Mỹ nói.
Ông Chủ Nhà Trắng cũng tự tin cho rằng thoả thuận mới sẽ đóng vai trò nền tảng cho hòa bình thực sự ở Trung Đông, điều mà ít ai cho là khả thi đến ngày nay. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trong khi đó, dành lời cám ơn đến ông Trump vì kiên định đứng về phía Israel.
Theo Guardian, thỏa thuận do Washington bảo trợ đưa UAE và Bahrain trở thành hai quốc gia Arab tiếp theo bình thường hóa quan hệ với Israel, sau các hiệp định hòa bình mà nhà nước Do Thái có với Ai Cập năm 1979 và Jordan năm 1994.
Tổng thống Mỹ Trump nói rằng ít nhất 5 quốc gia khác đang có mong muốn kí thoả thuận tương tự với Israel, song không nêu tên cụ thể.
Giới quan sát đánh giá văn kiện mới giữa Israel, UAE và Bahrain đóng vai trò quan trọng trong thiết lập một cục diện mới ở Trung Đông, mở đường cho mối quan hệ giữa Israel và các quốc gia Arab khác.
Với Tổng thống Trump, đây được xem là cú hích giúp ông giành thêm phiếu bầu trong cuộc bầu cử sắp tới, đồng thời là quân bài chiến lược gia tăng sức ép tối đa của ông lên Iran. Nhà lãnh đạo Mỹ tự tin ông sẽ có thoả thuận với Iran nếu tái đắc cử vào tháng 11 tới.
Tuy nhiên, thoả thuận hiện cũng bị nhiều quốc gia lên án. Cách đây vài ngày, Palestine gọi Hiệp ước Abraham là một sự phản bội vì nó đã phá vỡ lập trường thống nhất trong khối Arab lâu nay rằng cái giá của bình thường hóa quan hệ với Israel là độc lập cho người Palestine.
Cả UAE và Bahrain đều cố trấn an Palestine rằng hai nước này không bỏ rơi Palestine, cũng như nỗ lực đòi hỏi thành lập nhà nước của người dân Palestine tại Bờ Tây và Dải Gaza. Khi văn kiện được kí, một loạt rocket đã được bắn lên từ Gaza để bày tỏ sự phẫn nộ.
Với Iran, quốc gia bị Israel coi là đối thủ lớn nhất khu vực, việc có thêm các nước Arab kí thoả thuận hoà bình với Tel Aviv có thể đẩy Tehran vào thế bị cô lập hơn nữa ở Trung Đông.