Khai mạc khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc

08:11 17/09/2020
Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tiến hành phiên họp bế mạc khóa 74 và khai mạc khóa 75 vào ngày 16/9 (giờ Hà Nội), trong bối cảnh thế giới đang đối mặt nhiều thách thức, nổi bật là những hệ quả tiêu cực gây ra bởi đại dịch toàn cầu COVID-19.


Kỳ họp mới của Đại hội đồng LHQ được khởi động trong thời điểm mang tính bước ngoặt của thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử 75 năm của LHQ, lễ bàn giao búa Chủ tịch Đại hội đồng diễn ra khi các khách mời, đại biểu đều đeo khẩu trang và ngồi giãn cách để ngăn nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Phát biểu đảm nhận vị trí tân Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, ông Volkan Bozkir khẳng định, sự xuất hiện của COVID-19 buộc nhân loại phải tìm cách thúc đẩy giá trị của chủ nghĩa đa phương, “nhằm giải quyết những thách thức tập thể” của nhân loại, theo Xinhua.

“Tại thời điểm khủng hoảng này, trách nhiệm của chúng ta là củng cố niềm tin của người dân vào hợp tác đa phương và các thể chế quốc tế, với LHQ là trung tâm”, tân Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ nói, cho biết thêm cơ quan này sẽ sớm tiến hành hai phiên họp đặc biệt, một về ứng phó với đại dịch COVID-19 và một cuộc họp về chống tham nhũng.

Ông Volkan Bozkir nhấn mạnh, chương trình nghị sự của khóa mới cũng sẽ tập trung vào những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, tăng cường hoạt động viện trợ nhân đạo ở các khu vực có xung đột vũ trang, thúc đẩy trao thêm quyền cho phụ nữ.

Các nhà ngoại giao quốc tế dự phiên khai mạc khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: UNNews

Ngoài ra, ông sẽ nỗ lực phát huy vai trò của Đại hội đồng LHQ trong hợp tác với các nước, các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế. Theo EconomicTimes, tân Chủ tịch Đại hội đồng LHQ đã đề nghị cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ, cơ quan quyền lực nhất của LHQ, nhằm “phản ánh tình hình thực tế của thế kỷ 21”. Theo lời ông Bozkir, đây là quá trình phức tạp, song lại rất quan trọng với không chỉ với các quốc gia thành viên mà còn với toàn thể LHQ.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng nhấn mạnh, COVID-19 đã đặt ra những thách thức chưa từng có cho LHQ. Dù Đại hội đồng khóa 74 đã thông qua nhiều quyết định quan trọng, song thế giới cần tiếp tục đoàn kết hơn nữa thời gian tới để cùng nhau vượt qua dịch bệnh. “Chúng ta phải tiếp tục ứng phó với tác động của đại dịch bằng cách tăng cường hệ thống y tế, hỗ trợ phát triển và phân phối công bằng các phương pháp điều trị và vaccine”, người đứng đầu cơ quan LHQ nêu rõ, đồng thời vạch ra nhiều vấn đề cần giải quyết thời gian tới như thúc đẩy hòa bình, giải trừ quân bị, đảm bảo quyền con người…

Tổng Thư ký Guterres cũng kêu gọi thúc đẩy một chủ nghĩa đa phương có mạng lưới rộng khắp và tầm bao trùm cho những thập niên tiếp theo. “Bản chất của chủ nghĩa đa phương đang thay đổi, và tôi đã thường xuyên chỉ ra sự cần thiết của một chủ nghĩa đa phương có mạng lưới và bao trùm hơn cho thế kỷ XXI”, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh.

Ngay sau phiên khai mạc, Đại hội đồng LHQ sẽ có nhiều phiên thảo luận về các chủ đề như đa dạng sinh học, phụ nữ và ngày quốc tế loại bỏ vũ khí hạt nhân. Dự kiến, các phiên thảo luận sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Phiên thảo luận toàn thể, vốn thường được quan tâm đặc biệt bởi sự hiện diện và phát biểu của lãnh đạo các nước thành viên, sẽ bắt đầu từ ngày 22/9 tới.

Tuy nhiên, vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2020, hầu hết các bài phát biểu của các nhà lãnh đạo, gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ được phát trực tiếp qua hệ thống của LHQ. Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là nhà lãnh đạo thế giới hiếm hoi sẽ trực tiếp xuất hiện và phát biểu tại cơ quan LHQ ở New York.

Việc các nhà lãnh đạo không thể gặp mặt trực tiếp khiến triển vọng thúc đẩy giải quyết nhiều vấn đề quốc tế bị lu mờ. Tổng Thư ký Antonio Guterres nhận định: “Công tác ngoại giao phụ thuộc rất nhiều vào tiếp xúc trực tiếp giữa các lãnh đạo. Và vì vậy, chúng ta sẽ có một tổn thất, đặc biệt là với ưu tiên hàng đầu của tôi ở thời điểm hiện tại là thực hiện lệnh ngừng bắn toàn cầu”.

Theo lời ông Guterres, từ khi LHQ công bố kế hoạch thúc đẩy lệnh ngừng bắn hồi tháng 3/2020, “nhiều tín hiệu tích cực” đã xuất hiện với các thỏa thuận hòa bình ở Sudan, sự khởi đầu của đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và Taliban, hay tình hình bạo lực tạm lắng ở Syria, Libya, Yemen và Ukraine.

Ông Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục thúc đẩy nỗ lực này, khẳng định rằng, việc quốc tế có thể xây dựng thành công một lệnh ngừng bắn ở mọi ngõ ngách trên thế giới sẽ thúc đẩy nỗ lực ngăn chặn COVID-19 và tạo điều kiện cho quá trình phục hồi, phát triển bền vững, toàn diện sau đại dịch.

Trong một năm qua, Đại hội đồng LHQ khóa 74 đã thông qua 307 nghị quyết, tiến hành 66 phiên họp toàn thể. Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Đại hội đồng LHQ tiếp tục duy trì các hoạt động thông qua hình thức trực tuyến để thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó đã ra được hơn 70 nghị quyết. Đại hội đồng LHQ khóa 75 sẽ hoạt động từ nay đến ngày 15/9/2021.

Thiện Nhân

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文