Khó thực thi thỏa thuận chống khủng bố giữa Mỹ và Qatar
- Khối Arab coi nhẹ thỏa thuận chống khủng bố Mỹ - Qatar
- Qatar đòi các nước Arab bồi thường nhiều tỉ USD vì lệnh cấm vận
Ông James Paul nêu rõ: “Bất kỳ một “hiệp định” chính thức nào giữa Qatar với nhóm do Saudi Arabia dẫn đầu nhằm giảm sự ủng hộ đối với những phần tử Hồi giáo cực đoan được cho là cực kỳ “mơ hồ”. Họ có thể không tham gia nỗ lực nhằm ngăn chặn việc tài trợ cho các tổ chức khủng bố bởi cả hai bên đều là những người ủng hộ chính cho trào lưu Hồi giáo cực đoan”.
Bên cạnh đó, cựu quan chức LHQ nhắc lại rằng, áp lực Mỹ tạo ra cho Qatar nhằm “trừng trị thẳng tay” những nhóm khủng bố Hồi giáo cũng có thể không được nghiêm túc thực thi vì Washington dưới thời của những tổng thống liên tiếp đã ngầm cho phép trang bị vũ khí và tài trợ những nhóm khủng bố này. Các cường quốc “phương Tây”, đặc biệt là Mỹ, đã không cho thấy một xu hướng nghiêm túc về việc ngăn chặn những chính sách này vốn luôn được áp dụng “song song” với chính sách của Mỹ. Thỏa thuận này không những khó được thực thi mà còn bị 4 quốc gia Arab gồm: Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) “coi nhẹ”.
Trong tuyên bố chung đưa ra hôm 11-7, 4 quốc gia trên cho rằng, thỏa thuận chống khủng bố giữa Mỹ và Qatar là chưa đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ sự nghiêm túc của giới chức Qatar trong việc chống lại tất cả các hình thức viện trợ, hỗ trợ và chứa chấp chủ nghĩa khủng bố. Tuyên bố cũng cho biết, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Doha sẽ được duy trì và thậm chí sẽ được tăng cường nếu các nước này không nhận thấy nỗ lực của Qatar trong giải quyết khủng hoảng.
Đối với cuộc khủng hoảng ngoại giao này, đúng ra Mỹ nên tham gia hòa giải, hạ nhiệt cuộc khủng hoảng, duy trì sự đoàn kết trong nội bộ các nước đồng minh chủ chốt ở khu vực Trung Đông, nhưng nhìn chung, nội bộ Mỹ có những quan điểm khác nhau đối với vấn đề này. Sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng, các quan chức cấp cao phụ trách vấn đề ngoại giao của các nước vùng Vịnh lần lượt tới thăm Mỹ, mong muốn nhận được sự ủng hộ của Mỹ, cho thấy Mỹ vẫn chiếm vị trí chủ đạo ở khu vực Trung Đông.
Cùng với diễn biến của cuộc khủng hoảng, thái độ của Mỹ là tiếp tục đứng bên ngoài, để các nước vùng Vịnh tự giải quyết tai nạn của họ hay là tăng cường mức độ can thiệp đối với cuộc khủng hoảng lần này, trở thành “người hòa giải siêu cấp”, ngăn chặn tình hình mất kiểm soát, chính là các nhân tố có tác động lớn đối với xu hướng cuộc khủng hoảng.
Những điều này có lẽ là dấu hiệu cho thấy, cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Saudi Arabia và Qatar khó có thể kết thúc trong thời gian ngắn, và sự thụt lùi trong quan hệ giữa hai nước này do cuộc khủng hoảng ngoại giao gây ra sẽ có xu hướng lâu dài. Chưa hết, cuộc khủng hoảng sẽ gây ra phản ứng dây chuyền trong khu vực, cục diện quan hệ nước lớn của khu vực này sẽ được sắp xếp lại.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh khó có thể kết thúc trong thời gian ngắn. |
Trước cuộc khủng hoảng, Iran là nước bị phái Sunni cô lập và thù địch, trong khi Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) là tổ chức khu vực gồm các quốc gia theo phái Sunni chống lại Iran. Sau cuộc khủng hoảng, mối quan hệ đồng minh trong GCC chịu những tác động nặng nề, sức mạnh để đối đầu với Iran giảm đi. Tehran sẽ tạo ra lỗ hổng trong GCC, quan hệ với Qatar sẽ ấm lên, tìm kiếm cơ hội để mở rộng sức mạnh ở khu vực trong cuộc khủng hoảng lần này.
Thổ Nhĩ Kỳ là một nước lớn khác trong khu vực, sẵn sàng “đắc tội” với Saudi Arabia, đứng về phía Qatar. Việc các nước trong khu vực lựa chọn đứng về bên nào trên thực tế đã hình thành phe ủng hộ Qatar gồm Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi phe chống lại Qatar gồm Saudi Arabia, Ai Cập, UAE…
Các phe tạm thời được hình thành trong bối cảnh đặc biệt của cuộc khủng hoảng, mặc dù khó có thể vững chắc nhưng trên một mức độ lớn thì cục diện mới của Trung Đông sau “Mùa xuân Arab” vẫn không ngừng thay đổi, và đặc trưng mang tính mềm dẻo, rời rạc, khó đoán định này vẫn sẽ tiếp tục tồn tại.
Giá thực phẩm tăng nhanh vì khủng hoảng Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và 4 nước Arab đang khiến giá cả các loại lương thực, thực phẩm và chi phí sinh hoạt tại Qatar tăng lên. Người dân Qatar cho biết, họ phải chi nhiều tiền hơn cho các thực thẩm tươi sống do nguồn cung và các chuyến bay đến Qatar từ một số nước láng giềng bị đình chỉ. Hiện Qatar đang tìm kiếm các đối tác khác cung cấp lương thực phẩm sau khi bị 4 nước Arab cấm vận. Theo đó, hiện Iran đang là đối tác cung cấp các mặt hàng nông sản lớn nhất cho Qatar. Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao Vùng Vịnh không có dấu hiệu hạ nhiệt, Iran vận chuyển 1.100 tấn rau củ, trong đó chủ yếu bao gồm các loại hoa quả và rau xanh tới Qatar mỗi ngày. Trong khi đó, tính tới ngày 12-7, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều 197 chuyến bay mang theo hàng hóa, 16 xe tải và 1 chuyến tàu tới Qatar để phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của nước này. Minh Nhật (theo CCTV) |