Mỹ sắp mở lại lãnh sự quán tại Jerusalem
Ngoại trưởng Mỹ trong cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ảnh AP. |
Lãnh sự quán từ lâu đã đóng vai trò là một văn phòng phụ trách các mối quan hệ ngoại giao với Palestine. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Donald Trump đã hạ cấp các hoạt động của cơ quan này và đặt dưới quyền của đại sứ Mỹ tại Israel khi ông chuyển đại sứ quán đến Jerusalem.
Những động thái này đã phá vỡ chính sách lâu đời của Mỹ và gây ra làn sóng phản đối tại Palestine.
Ngoại trưởng Blinken không đưa ra thời điểm chính xác cho việc mở lại lãnh sự quán nhưng cho biết đây sẽ là “một cách quan trọng để Mỹ hỗ trợ người dân Palestine”.
Ông Blinken đưa ra thông báo này sau cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Ramallah, khu vực Bờ Tây.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết rằng ông đến đây “để nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc xây dựng lại mối quan hệ với Chính quyền Palestine và người dân Palestine, một mối quan hệ được xây dựng trên sự tôn trọng lẫn nhau và cũng là niềm tin chung rằng người Palestine và người Israel đều xứng đáng bình đẳng về các biện pháp an ninh, tự do, cơ hội và nhân phẩm”.
Ông Abbas cảm ơn Washington “vì cam kết đối với giải pháp hai nhà nước (và duy trì) hiện trạng của Haram al-Sharif,” một khu phức hợp tại Jerusalem linh thiêng đối với người Hồi giáo và người Do Thái, nơi có Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, địa điểm linh thiêng hàng đầu của người Hồi giáo.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/5, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết động thái này là một “bước đi tự nhiên” trong việc xây dựng lại mối quan hệ của Mỹ với Palestine, vốn bị tổn thất dưới thời chính quyền của ông Donald Trump.
Ông Blinken đang có chuyến thăm đến Israel để giúp củng cố lệnh ngừng bắn đạt được vào tuần trước, chấm dứt cuộc chiến tàn khốc kéo dài 11 ngày giữa Israel và Hamas ở Gaza khiến ít nhất 253 người Palestine và 12 người Israel thiệt mạng.
Cuộc chiến nổ ra sau các cuộc trấn áp của cảnh sát Israel đối với người Palestine ở Jerusalem trong và xung quanh khu nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa.
Ngoại trưởng Blinken hứa sẽ “tập hợp sự ủng hộ của quốc tế” để giúp Gaza sau chiến tranh. Sau đó, ông tuyên bố viện trợ gần 40 triệu USD cho người Palestine, trong đó có 5,5 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp cho Gaza. Động thái này nâng tổng số hỗ trợ của Mỹ dành cho người Palestine dưới thời chính quyền Biden lên hơn 360 triệu USD, sau khi chính quyền Trump cắt gần như tất cả các khoản hỗ trợ dành.