Mỹ "thề" đảm bảo an ninh cho Triều Tiên sau phi hạt nhân hoá
- Mỹ khẳng định sẵn sàng đàm phán, bất chấp cảnh báo của Triều Tiên
- Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa mới
- Triều Tiên lại phóng tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn được Triều Tiên khai hoả vào mục tiêu trên biển Nhật Bản hồi tháng 7. Ảnh: KCNA |
"Triều Tiên đã nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân nhiều thập kỉ nay (với lí do đảm bảo an ninh). Nhưng trên thực tế, điều thực sự mang đến an ninh cho họ chính là việc đạt đồng thuận với Mỹ và với thế giới về phi hạt nhân hoá", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 6-9 nói với đài KCMO của Mỹ, theo NKNews.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, mọi quốc gia, bao gồm Triều Tiên, đều có quyền chủ quyền tự đảm bảo an ninh. "Khi họ làm vậy (phi hạt nhân hoá) chúng tôi sẽ đảm bảo an ninh cho họ và người dân của họ", ông Pompeo nói.
Nhà ngoại giao, trợ lý thân cận của Tổng thống Donald Trump cũng nhấn mạnh Washington tin rằng Bình Nhưỡng "vẫn còn ý định đi theo con đường ngoại giao", bất chấp các vụ thử tên lửa mới nhất.
"Tôi cam kết hợp tác với đội ngũ của Triều Tiên nhằm tìm kiếm những kết quả có lợi cho cả Mỹ và thế giới, với điều kiện giảm nguy cơ hạt nhân từ Bán đảo Triều Tiên, nhưng cũng đảm bảo rằng hòa bình, an ninh và thịnh vượng sẽ đến với Bình Nhưỡng", ông Pompeo hứa hẹn.
Cùng ngày, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đã kêu gọi cả Bình Nhưỡng và Washington dừng các động thái thù địch và quay trở lại bàn đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa.
"Điều quan trọng nhất lúc này là cả Mỹ và Triều Tiên cùng phối hợp để vượt qua các bất đồng chính sách và dừng các động thái thù địch, từ đó tạo điều kiện cho các nhà ngoại giao thảo luận cũng như duy trì nhịp đàm phán", Biegun nhấn mạnh.
Các cuộc đàm phán phi hạt nhân Mỹ-Triều đình trệ từ sau cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên hồi tháng 2. Từ cuối tháng 7, Triều Tiên tiến hành ít nhất 7 vụ phóng tên lửa ra biển, khiến tình hình phức tạp.
Bình Nhưỡng tuyên bố các vụ phóng tên lửa chiến lược mới đó là động thái đáp trả việc Mỹ-Hàn tập trận chung cũng như thông điệp cứng rắn gửi tới Seoul vì liên tục mua vũ khí Mỹ.
Đỉnh điểm, hôm 24-8, thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho hay Bình Nhưỡng "không còn quan tâm" tới việc Mỹ có nới lỏng trừng phạt hay không nữa và sẽ không từ bỏ "an ninh chiến lược" để đổi lấy việc nới lỏng trừng phạt.