Mỹ và Trung Quốc tiến tới gần một thỏa thuận thương mại
- Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ gặp nhau trong tháng 3
- Mỹ và Trung Quốc thống trị cuộc đua trí tuệ nhân tạo
- Đối thoại chiến lược và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc
Những tín hiệu tích cực
Theo các nguồn tin của WSJ, Trung Quốc đang đề nghị giảm thuế và các giới hạn khác đối với các sản phẩm nông nghiệp, hóa chất và ôtô của Mỹ trong khi Mỹ đang cân nhắc dỡ bỏ hầu hết các mức thuế được áp đặt lên các mặt hàng Trung Quốc từ năm 2018.
Cũng theo các nguồn tin này, nhiều trở ngại vẫn còn tồn tại và các bên có thể sẽ gặp phải sự phản đối trong nước do các điều khoản có thể quá ưu ái cho phía bên kia.
Tiến bộ đạt được trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc có thể dẫn tới việc một thỏa thuận chính thức sẽ được ký tại cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến sẽ diễn ra vào khoảng 27-3 sau khi Chủ tịch Trung Quốc có chuyến công du Italy và Pháp.
Tổng thống Donald Trump trước đó cho biết ông sẽ lên kế hoạch cho Hội nghị Thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông ở Florida để chính thức thông qua một thỏa thuận thương mại, vì các thỏa thuận đang trong “giai đoạn tiến triển”.
Thông qua mạng xã hội Twitter, người đứng đầu Nhà Trắng viết: “Mối quan hệ giữa hai nước chúng ta rất vững chắc. Do đó, tôi đã đồng ý hoãn tăng thuế. Hãy xem điều gì xảy ra?”.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Trung dự kiến sẽ diễn ra vào khoảng ngày 27-3 để hai bên đi tới hoàn tất một thỏa thuận thương mại. (Ảnh: Reuters). |
Trong khi đó, các quan chức và nhà kinh tế trên thế giới đã theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung vì cuộc thương chiến giữa hai nước đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty, làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu và làm giảm doanh số của các nhà xuất khẩu dẫn đến nguy cơ có thể làm xói mòn tăng trưởng toàn cầu nếu tranh chấp không được giải quyết.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã gọi tranh chấp thương mại Mỹ-Trung là một “rủi ro lớn” đối với nền kinh tế toàn cầu và tỷ phú Warren Buffet thì nói rằng cả hai nước sẽ thiệt hại nếu họ không giải quyết được những bất đồng giữa hai bên. Tuy nhiên ngay cả sau 4 vòng đàm phán, tiến trình tiến tới nhất trí về những phần gai góc hơn của thỏa thuận vẫn không rõ ràng.
Hai chính phủ đã thông báo rằng, Trung Quốc đã cam kết nối lại hoặc gia tăng mua hàng nông sản của Mỹ nhưng Washington lại đang thúc giục Bắc Kinh điều chỉnh chiến lược công nghiệp của nước này và có các biện pháp mang tính ràng buộc để bảo vệ công nghệ của Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng khẳng định thỏa thuận sẽ bao gồm một điều khoản buộc Bắc Kinh không cho phép đồng Nhân dân tệ của họ suy yếu nhằm né tránh những tác động của các biện pháp thuế quan của Mỹ.
Nhưng theo các nhà kinh tế, sự phức tạp và việc giám sát một thỏa thuận như vậy sẽ khó thực hiện.
Ông Gregory Daco thuộc Viện Kinh tế Oxford nói rằng ông trông đợi “một thỏa thuận bắt tay với Trung Quốc trong đó Trung Quốc cam kết nhập khẩu thêm nông sản (của Mỹ), hợp tác hướng tới một chính sách tiền tệ ổn định và củng cố việc bảo vệ sở hữu trí tuệ sẽ được hoàn tất trong những tuần tới”.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng: “Chúng tôi không đoán trước được sẽ có một sự giảm đáng kể mức thuế hiện tại, và nhận thấy những căng thẳng tiềm ẩn liên quan đến những tham vọng chiến lược của Trung Quốc, chính sách công nghiệp, chuyển giao công nghệ của họ và “việc xác minh và thực thi” cơ chế vẫn đang tồn tại”.
Tác nhân làm ấm quan hệ Trung - Nhật - Ấn
Mặc dù cuộc thương chiến Mỹ-Trung đe dọa nghiêm trọng đến sự tăng trưởng toàn cầu, song nó lại khiến mối quan hệ Nhật - Trung và Ấn - Trung trở nên “dịu mát” hơn. Nhật Bản và Ấn Độ là hai quốc gia mà Trung Quốc có sự cạnh tranh chính trị lâu đời. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại đã đảo ngược tình hình. Trung Quốc cố gắng tìm kiếm một mối quan hệ kinh tế tốt hơn với cả hai nước này để đối trọng với những trở ngại từ cuộc chiến thương mại.
Ngoài mặt, cả Nhật Bản và Ấn Độ đều đáp lại lời đề nghị của Trung Quốc để tiến tới một mối quan hệ hòa hợp hơn. Sự thay đổi của Nhật Bản được minh chứng rõ nét bởi chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi tháng 10-2018. Abe đồng ý hợp tác với Trung Quốc để cùng nhau xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước thứ ba.
Hơn nữa, chuyến thăm này cũng có ý nghĩa quan trọng hơn bởi nó diễn ra sau 7 năm hai nước trở nên xa cách do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông năm 2012. Một cách tình cờ, sự bế tắc giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã bị lu mờ bởi chính sách bảo hộ thương mại bằng thuế quan vì lợi ích kinh tế của Tổng thống Donald Trump.
Cả hai đều nhấn mạnh những thách thức để thúc đẩy hợp tác kinh tế nhằm lấn át chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Mỹ bằng việc cùng hoạt động ở quốc gia thứ ba - trước hết là nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế và giảm thiểu sự cạnh tranh.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh đó, Nhật Bản đã ký kết 50 dự án cơ sở hạ tầng với Trung Quốc tại Thái Lan, bắt đầu bằng việc xây dựng một thành phố thông minh.
Đồng thời, Trung Quốc cũng tìm cách giành lấy “trái tim” của Ấn Độ bằng việc đảm bảo lượng nhập khẩu lớn từ Ấn Độ, có lẽ là để xoa dịu sự phẫn nộ của nước này vì thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Xuất khẩu từ Ấn Độ sang Trung Quốc đã tăng 25% từ tháng 6 - 11-2018, giai đoạn diễn ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Trung Quốc cũng quan tâm đến việc nhập khẩu nông sản từ Ấn Độ để giảm bớt ảnh hưởng từ những tổn thất khi nhập khẩu từ Mỹ.
Trung Quốc cũng muốn đầu tư vào Ấn Độ sau khi đánh mất “thiên đường sản xuất” chi phí thấp, vốn được minh chứng rõ nét trong ngành công nghiệp sản xuất điện tử, chẳng hạn như điện thoại di động. Điều này có nghĩa là sự cấp bách về kinh tế đã phủ bóng những thù hận về chính trị, điều luôn ngăn cản sự hợp tác kinh tế.
Trong bối cảnh mới này, khi mà cả Ấn Độ và Nhật Bản cam kết hợp tác với Trung Quốc và Trung Quốc tìm cách giành lấy sự ủng hộ của cả hai nước để đối trọng với tác động từ các biện pháp thuế quan thương mại của Tổng thống Donald Trump, chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ngay trước chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đã thu hút sự chú ý rộng rãi của các chuyên gia chính trị.
Họ cho rằng, có một số tương đồng giữa mối quan hệ của Nhật Bản và Ấn Độ với Trung Quốc. Điển hình như cả hai nước đều phải phụ thuộc thương mại nhiều hơn vào Trung Quốc. Cả Ấn Độ và Nhật Bản đều quả quyết đưa quan hệ kinh tế với Trung Quốc đi theo những hướng mới.
Nhật Bản cam kết hợp tác với Trung Quốc ở các nước thứ ba, còn Ấn Độ nhấn mạnh sự hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Ấn Độ đã công bố một chính sách xuất khẩu nông sản mới, xóa bỏ một số hạn chế, và để mắt đến thị trường rộng lớn của Trung Quốc.
Cuối cùng, tác động của chiến tranh thương mại đối với Ấn Độ và Nhật Bản sẽ liên quan đến việc Trung Quốc đưa ra tín hiệu khả quan và có thể giảm thiểu sự gây hấn, chẳng hạn như trong thế bế tắc ở khu vực Doklam hay Biển Đông. Kể từ sau chiến tranh thương mại, không xuất hiện bất kỳ sự cố lớn nào về việc xâm phạm biên giới với Ấn Độ hay bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong trường hợp của Ấn Độ và Nhật Bản, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên sâu sắc sau khi Thủ tướng Narendra Modi viết nên một chương mới. Nguồn gốc của chương mới này là sự thay đổi từ quan hệ đối tác kinh tế chiến lược thành quan hệ đối tác toàn cầu.
Thủ tướng Ấn Độ nhắc lại rằng Ấn Độ và Nhật Bản là hai nền dân chủ lâu đời nhất châu Á và là hai trong số 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực này. Ông khẳng định thế kỷ XXI sẽ được quyết định bởi các nước châu Á và quan hệ song phương Ấn-Nhật sẽ là động lực cho sự tăng trưởng trong thế kỷ XXI.
Cuộc chiến thương mại, giúp làm tan băng quan hệ Trung-Nhật và tăng cường hợp tác kinh tế Trung-Ấn sẽ đẩy Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) - hai cơ quan tài chính đa phương lớn của châu Á - xích lại gần nhau hơn. Cả hai đều là những cơ quan tài trợ lớn cho sự phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á.
Cho đến nay, mối quan hệ giữa hai bên vẫn luôn căng thẳng và đầy cạnh tranh. Chiến tranh thương mại có thể xóa mờ thái độ cạnh tranh giữa hai cơ quan và mở rộng đáng kể nguồn tài trợ cho công cuộc phát triển ở châu Á.
Trong bối cảnh của những kịch bản này, điểm mấu chốt của cuộc chiến thương mại chính là nó sẽ giảm bớt sự thù địch về chính trị giữa 3 nền kinh tế lớn nhất châu Á và mở ra một kỷ nguyên hợp tác kinh tế mới ở châu Á như một “đôi cánh” thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.