Myanmar mở rộng phong tỏa mạng xã hội bất chấp biểu tình lan nhanh
- Facebook bị chặn tại Myanmar
- Myanmar "hoang mang" giữa chính biến
- Bác sĩ Myanmar nhất loạt đình công, quân đội vẫn "làm ngơ"
Sau khi ban lệnh phong tỏa tạm thời Facebook, chính quyền do quân đội Myanmar nắm giữ đã ra lệnh cho các nhà cung cấp Internet thực thi lệnh cấm mới nhất "cho đến khi có thông báo mới", theo công ty điện thoại di động Na Uy Telenor Asa.
"Chúng tôi đã mất tự do, công lý và chúng tôi rất cần dân chủ. Hãy lắng nghe tiếng nói của Myanmar", một người dùng Twitter tại Myanmar nỗ lực đăng lên mạng xã hội, trong bối cảnh mạng Internet và dịch vụ dữ liệu di động tại nước này liên tục bị gián đoạn.
Người dân đập xoong nồi phản đối chính quyền quân sự. Ảnh: Reuters |
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing đã lên nắm quyền điều hành đất nước, sau cuộc đảo chính chớp nhoáng diễn ra hồi đầu tuần và động thái bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức hàng đầu, với cáo buộc kết quả bầu cử diễn ra ngày 8/11 năm ngoái, mà phần thắng thuốc về đảng NLD, là gian lận.
Gần một tuần sau cuộc đảo chính, Văn phòng Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang hôm 6/2 đã thành lập Hội đồng Điều hành nhà nước sau khi Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp.
Bà San Suu Kyi đã bị bắt giữ với cáo buộc vi phạm Luật xuất nhập khẩu, trong khi Tổng thống U Win Myint bị bắt giữ với cáo buộc ông và gia đình gặp gỡ một số nhân vật trong quá trình tranh cử và vi phạm biện pháp phòng chống COVID-19. Hai chính trị này bị tạm giam trong 15 ngày, từ 1/2 đến 15/2.
Những người biểu tình giơ cao ba ngón tay như cách phản đối cuộc đảo chính. Ảnh: AP |
Trước đó, hôm 5/2, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên tiếng kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và những người khác đang bị giam giữ, đồng thời bày tỏ "lo ngại sâu sắc" về cuộc chính biến tại quốc gia Đông Nam Á này.
Trong nước, phong trào bất tuân dân sự ngày càng lan rộng, với những dòng người Myanmar xuất hiện trên đường phố ngày một đông trong nhiều ngày qua, cùng tiếng đập xoong nồi vang lên mỗi đêm để phản đối hành vi đảo chính.
Theo Reuters, khoảng 150 vụ bắt giữ đã được cảnh sát thưc hiện kể từ sau cuộc đảo chính. 30 người cũng được cho là đã bị bắt giữ liên quan tới các nhóm biểu tình.
Giáo viên trên cả nước bắt đầu tham gia phong trào bất tuân dân sự. Ảnh: Reuters |
Giáo viên trở thành nhóm đối tượng tiếp theo tham gia phong trào bất tuân dân sự, với việc từ chối làm việc hoặc hợp tác với chính quyền quân sự, sau khi các bác sĩ nước này cũng tuyên bố đình công để phản đối đảo chính.
Tại thành phố Yangon, khoảng 1.000 người đã đổ xuống đường tham gia tuần hành trong ngày 6/2, đánh dấu sự kiện phản đối quân đội có số người tham gia đông nhất kể từ khi bà Suu Kyi bị bắt hồi đầu tuần qua.
Những người biểu tình mang theo cờ đỏ - biểu tượng của đảng NLD, cũng là biểu tượng hưởng ứng và thể hiện lòng trung thành với bà Suu Kyi, đồng thời hô vang các khẩu hiệu và giơ ba ngón tay thể hiện sự phản đối chính quyền quân sự.