Myanmar tiếp tục "nóng": Đặc phái viên LHQ kêu gọi hành động khẩn cấp
Cảnh sát phun hơi cay và ném lựu đạn gây choáng về phía người biểu tình. Ảnh: Reuters |
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau khi quân đội bắt giữ và lật đổ nhà lãnh đạo Đảng LND được nhân dân bầu - bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao cầm quyền hôm 1/2, kéo theo các cuộc biểu tình và đình công ngày càng lan rộng, khiến hoạt động kinh tế, đời sống bị tê liệt.
Theo thống kê của LHQ, hơn 50 người biểu tình đã thiệt mạng, trong đó, ngày 3/3 được gọi là "ngày đẫm máu", với ít nhất 38 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình trên khắp Myanmar. Những người biểu tình yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi và tôn trọng kết quả bầu cử tháng 11 năm ngoái - mà quân đội cáo buộc là gian lận.
Phát biểu tại cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an LHQ diễn ra tối 5/3 (giờ địa phương), Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Myanmar Christine Schraner Burgener khẩn thiết đề nghị LHQ hãy hành động khẩn cấp.
"Điều quan trọng là Hội đồng Bảo an LHQ phải kiên quyết và nhất quán trong việc đặt lực lượng quân đội trong trạng thái cảnh cáo, và luôn đứng vững vàng cùng người dân Myanmar trong việc ủng hộ kết quả bầu cử minh bạch tháng 11", bà nói.
Người biểu tình sử dụng mũ bảo hiểm, mặt nạ chống độc, áo giáp tự chế để đối đầu cảnh sát. Ảnh: Reuters |
Theo Đặc phái viên Burgener, tình hình hiện tại “đang tiến tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng”, với những ảnh hưởng ngày một lớn đến lực lượng lao động, đầu tư, sự ổn định, kết nối và an ninh của Myanmar.
Chỉ vài giờ sau khi lời kêu gọi của đặc phái viên LHQ được đưa ra, các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự tiếp tục diễn ra trong ngày 6/3, với việc lực lượng an ninh Myanmar tiếp tục sử dụng hơi cay và lựu đạn gây choáng để trấn áp biểu tình.
Vào sáng 6/3, tại thị trấn phía nam Dawei, những người biểu tình đã hô vang khẩu hiệu "Dân chủ là lý do của chúng ta" trong các cuộc biểu tình trên đường phố. Những người biểu tình cũng đã đổ xuống đường, tiến về phía các cơ quan hành chính tại thành phố lớn nhất, Yangon.
Hiện, chưa có thương vong được báo cáo trong các cuộc biểu tình ngày 6/3.
Mỹ và một số nước phương Tây khác đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào quân đội Myanamar. Các nhà điều tra nhân quyền độc lập của LHQ về Myanmar cũng đã lên tiếng kêu gọi một lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu cũng như các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào chính quyền quân đội nước này.