NATO ra tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc
Các nhà lãnh đạo NATO. Ảnh Reuters. |
Tổng thống Joe Biden kêu gọi các nhà lãnh đạo NATO cùng hợp lực ứng phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, một sự thay đổi trọng tâm của một liên minh vốn được thành lập để bảo vệ châu Âu khỏi Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.
Thông cáo cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh NATO, sẽ định hướng cho chính sách liên minh, được đưa ra một ngày sau khi 7 nước phát triển hàng đầu (G7) đưa ra tuyên bố phản đối Trung Quốc về một loạt vấn đề, những điều mà Bắc Kinh coi và vu khống.
Các nhà lãnh đạo NATO cho rằng “tham vọng và hành vi quyết đoán của Trung Quốc đặt ra những thách thức có hệ thống với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các lĩnh vực liên quan đến an ninh của liên minh”.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng chia sẻ với các đồng minh châu Âu rằng hiệp ước phòng thủ chung của liên minh là một “nghĩa vụ thiêng liêng” đối với Mỹ. Đây được coi là một sự thay đổi rõ rệt trong giọng điệu so với người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Donald Trump, người từng đe dọa rút khỏi liên minh và cáo buộc các đồng minh châu Âu đóng góp quá ít cho phòng thủ của chính mình.
“Tôi muốn các đồng minh châu Âu biết rằng Mỹ vẫn ở đây. NATO rất quan trọng với chúng tôi (Mỹ)”, ông Biden nhấn mạnh.
Ông Biden cũng đề cập đến vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, vụ tấn công nhằm vào Mỹ do các chiến binh al Qaeda tiến hành, cũng là thời điểm mà NATO lần đầu tiên và duy nhất khởi động Điều 5 trong hiến chương của liên minh. Theo điều này, liên minh coi một vụ tấn công nhằm vào một thành viên là tấn công vào toàn bộ liên minh.
Thêm vào đó, ông Biden cũng nói đến cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16/6 tại Geneva, cho biết thêm rằng Trung Quốc và Nga đang cố gắng chia rẽ liên minh xuyên Đại Tây Dương và rằng, dù ông không muốn xung đột với Nga, NATO sẽ đáp trả nếu Moscow “tiếp tục các hoạt động có hại”.
Mặc dù các nước phương Tây vẫn có sự khác biệt trong chiến lược về cách đối phó với Trung Quốc, ông Biden cho biết NATO đã được thống nhất dưới sự lãnh đạo của Mỹ. “Nước Mỹ đã trở lại”, Tổng thống Biden nhấn mạnh, đồng thời như muốn bảo đảm với các đồng minh châu Âu rằng “chủ nghĩa dân túy” như dưới thời người tiền nhiệm sẽ không quay trở lại Nhà Trắng trong thời kỳ ông tại vị.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, tham gia hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của liên minh trước khi bà từ chức vào tháng 9 này, đã mô tả sự xuất hiện của ông Biden là “sự mở đầu của một chương mới”. Bà cũng cho biết điều quan trọng đối với liên minh là phải đối phó với Trung Quốc “như một mối đe dọa tiềm tàng, trong khi vẫn giữ nguyên quan điểm”.
Thủ tướng Đức nhấn mạnh rằng liên minh không thể “khoanh tay đứng nhìn” khi xem xét đến các “mối đe dọa về an ninh mạng” hay “sự hợp tác của Nga và Trung Quốc”. Bà cũng cho rằng cần tìm cách tiếp cận “cân bằng” với cả hai nước này.
Tại trụ sở của NATO ở ngoại ô Brussels, Bỉ, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc từ Baltics tới châu Phi đồng nghĩa với việc liên minh có trang bị hạt nhân này phải ở trong tâm thế sẵn sàng.
“Trung Quốc đang đến gần chúng ta hơn. Chúng ta thấy họ trên không gian mạng, chúng ta thấy Trung Quốc ở châu Phi, nhưng chúng ta cũng thấy Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng quan trọng của chính chúng ta”, ông Stoltenberg cho biết, đề cập đến các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cảng và mạng lưới viễn thông.
Ông Stoltenberg cũng cho biết các nhà lãnh đạo đã đồng ý tăng đóng góp vào ngân sách chung của liên minh. Phần lớn chi tiêu quân sự trong NATO được các nước thành viên xử lý riêng.