Năm 2017: Khát vọng bình yên trong cục diện thế giới xáo trộn
Trong năm 2017, nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đặc biệt quan tâm tới hoạt động kỷ niệm 100 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga không chỉ vì tròn một thế kỷ kể từ cuộc cách mạng vĩ đại này mà còn là do vào thời điểm hiện nay tình hình thế giới tương đồng với thời khắc lịch sử cách đây một trăm năm, trong đó chủ nghĩa tư bản thế giới đều lâm vào cuộc khủng hoảng hệ thống theo quy luật chu kỳ mang tính tất yếu.
Đầu thế kỷ XX, cuộc khủng hoảng hệ thống chủ nghĩa tư bản thế giới đứng đầu là đế chế Anh đã từng dẫn tới hai cuộc thế chiến thì cuộc khủng hoảng hệ thống hiện nay bùng phát từ năm 2008 đứng đầu là đế chế Hoa Kỳ cũng đang đưa thế giới lâm vào tình trạng xáo trộn, trong đó đan xen những chuyển dịch đầy mâu thuẫn, bất ổn, bất định và khó dự đoán, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thế chiến lần thứ ba.
Năm 2017 khởi đầu sự lựa chọn lịch sử của nước Mỹ
Trong chiến dịch tranh cử cuối năm 2016, ứng cử viên Donald Trump từng nhận định rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này không đơn thuần là cuộc bầu cử bốn năm một lần như thường lệ, hay là sự chuyển giao quyền lực giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa mà là sự lựa chọn con đường phát triển của nước Mỹ trong những thập kỷ tới: sẽ vẫn tiếp tục đi theo con đường của chủ nghĩa tư bản tài chính-ngân hàng khởi đầu từ giữa thế kỷ XX bằng Hiệp định Breton-Wood hay là quay trở lại con đường của chủ nghĩa tư bản công nghiệp đã từng đưa nước Mỹ vươn tới đỉnh cao phát triển nhất thế giới trong thế kỷ trước.
Trong khi ứng cử viên Hillary Clinton chủ trương đưa nước Mỹ tiếp tục đi theo con đường thứ nhất thì ứng cử viên Donald Trump lại lựa chọn con đường thứ hai và chung cuộc ông đã giành chiến thắng. Chuyện ông Donald Trump đắc cử là kết cục của cuộc đấu tranh đầy cam go trong việc lựa chọn con đường phát triển của nước Mỹ chứ hoàn toàn không do “sự can thiệp của Nga”.
Dẫn dắt siêu cường thế giới với chủ trương thoát khỏi cuộc khủng hoảng hệ thống, mọi quyết sách của tân Tổng thống Donald Trump có tác động tới toàn bộ cục diện chính trị thế giới trong những năm tới.
Thế giới xáo trộn trong năm 2017
Trong mọi khúc quanh của lịch sử, trật tự thế giới bao giờ cũng được quyết định bởi mối quan hệ giữa các cường quốc. Trong năm 2017, đó là quan hệ giữa siêu cường Mỹ và hai cường quốc là Trung Quốc và Nga. Những xáo trộn trong cục diện chính trị thế giới trong năm 2017 phần nhiều đều xoay quanh tam giác quan hệ đặc biệt này.
Trong quan hệ Mỹ-Nga, trong chiến dịch tranh cử cũng như trong cuộc nói chuyện điện thoại đầu tiên với Tổng thống Nga V.Putin ngay sau khi đắc cử, ông Donald Trump tuyên bố sẽ thiết lập quan hệ hợp tác tốt đẹp với Nga vì sự hợp tác đó có lợi cho Mỹ, sẽ coi Nga là một đối tác chứ không phải là kẻ thù như các đời tổng thống Mỹ tiền nhiệm.
Thế nhưng, sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã hoàn toàn thay đổi quan điểm. Sự thay đổi căn bản này đã được khẳng định trong Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ vừa được ông phê chuẩn và công bố, trong đó xác định Nga là “mối đe dọa đối với Mỹ”.
Do đó, trong năm 2017 thế giới chứng kiến sự va chạm quyết liệt giữa Mỹ và Nga trên bốn chiến tuyến: trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria; ở châu Âu-nơi các căn cứ quân sự của Liên minh quân sự của NATO đã mở rộng tới sát biên giới Nga; ở Ucraina và chiến tranh cấm vận.
Trong quan hệ Mỹ-Trung, nếu khi tranh cử, ông Donald Trump từng tuyên bố “tôi không thể gọi Trung Quốc bằng một từ nào khác là kẻ thù của nước Mỹ” thì sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump lại hoàn toàn thay đổi quan điểm, tuyên bố coi Trung Quốc là “đối tác quan trọng” với hy vọng quan hệ Mỹ-Trung sẽ “rất, rất tuyệt vời trong dài hạn!”.
Chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc ngày 9-10-2017 đã khẳng định sự thay đổi quan điểm này của Tổng thống Donald Trump, trong đó ông đã được Bắc Kinh đón tiếp nồng hậu chưa từng có từ trước tới nay dành cho một nguyên thủ quốc gia. Dù vậy, trong Chiến lược an ninh quốc gia mới, Trung Quốc vẫn “được” Mỹ xếp vào phạm trù “đối thủ”.
Ngoài quan hệ Mỹ-Nga và Mỹ-Trung, Tổng thống Donald Trump còn đưa ra nhiều quyết sách gây xáo trộn thế giới. Đó là, thông qua chiến lược mới ở Afghanistan nhằm khẳng định chủ trương của Mỹ hiện diện vô thời hạn ở quốc gia Trung Á này.
Nhiều tuyên bố của Tổng thống Donald Trump đã đẩy cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên leo thang tới đỉnh điểm mà điển hình nhất là câu nói của ông tại Diễn đàn của Đại hội đồng LHQ rằng “Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công nhằm hủy diệt Triều Tiên”. Ông Donald Trump còn xếp Triều Tiên và Iran vào danh mục “các quốc gia tài trợ khủng bố”.
Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, trong năm 2017, Tổng thống Donald Trump còn đưa ra nhiều quyết định khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng. Đó là, ký Sắc lệnh đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không tham gia Hiệp định khí hậu Paris 2015; tuyên bố sẽ đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận P5+1 với Iran; chỉ thị cho đại diện của Mỹ tại Liên Hợp Quốc tiếp tục bỏ phiếu chống lại Nghị quyết lên án cấm vận Cuba do Đại Hội đồng LHQ đề xuất trong khi Nghị quyết này nhận được sự ủng hộ của 191 thành viên của LHQ; tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel-một quyết định làm bùng phát làn sóng chống Mỹ chưa từng thấy ở Trung Đông.
Ở châu Âu, hậu quả từ cơn địa chấn chính trị Brexit đưa nước Anh rời khỏi EU trong năm 2016 và những dịch chuyển địa chính trị trong quan hệ với Mỹ trong năm 2017 đặt “lục địa già” trước nhiều xáo trộn.
Đó là cuộc bầu cử Quốc hội ở Pháp với thất bại bất ngờ của tất cả các đảng chính trị truyền thống lớn nhất và mang lại chiến thắng cho đảng “Nền cộng hòa tiến bước” vừa mới được thành lập chỉ vẹn vẹn vài tháng trước đó; Liên minh cầm quyền của đương kim Thủ tướng Angela Merkel thất bại trong các cuộc đàm phán về việc thành lập chính phủ mới, đưa nước Đức lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II.
Cũng trong năm qua, các nước châu Âu vẫn phải đối mặt với làn sóng nhập cư bất hợp pháp, nạn khủng bố, cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 2009 chưa chấm dứt, thiệt hại kinh tế do các biện pháp cấm vận Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ucraina.
Nỗ lực và khát vọng hướng tới sự bình yên
Trong bối cảnh đầy xáo trộn trong năm 2017 thế giới vẫn ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi và khát vọng hướng tới sự bình yên. Trước hết, đó là nỗ lực của Nga và Trung Quốc nhằm ngăn ngừa nguy cơ bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên được thể hiện ở sáng kiến “hai ngừng”, theo đó CHDCND Triều Tiên ngừng chương trình tên lửa hạt nhân để đổi lấy việc Hàn Quốc và Mỹ ngừng tập trận chung.
Trên cơ sở đó sẽ mở đầu các cuộc đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington và nối lại cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Sáng kiến này nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.
Ở Trung Đông, quân và dân Syria sau hơn sáu năm bền bỉ tiến hành cuộc chiến tranh giữ nước, được sự giúp đỡ của Nga, Iran và lực lượng tình nguyện của Palestine đã đánh bại tổ chức khủng bố mang tên “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS), giải phóng hoàn toàn lãnh thổ và bắt đầu chuyển sang giai đoạn thực hiện tiến trình chính trị để ổn định đất nước.
Cũng ở Trung Đông, Quốc vương Arabia Saudi Salman đã có chuyến thăm chưa từng có tiền lệ tới Nga để thiết lập quan hệ bình thường về kinh tế, chính trị và quân sự, tạo ra bước phát triển đột phá trong quan hệ gần như thù địch giữa hai nước kể từ thời Chiến tranh lạnh.
Cũng trong năm 2017, Diễn đàn châu Á Bác Ngao ở Trung Quốc với chủ đề “Tương lai của toàn cầu hóa và thương mại tự do” đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung khẳng định toàn cầu hóa kinh tế và tự do thương mại vẫn là động lực phát triển của nền kinh tế thế giới.
Đặc biệt, Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương APEC-2017 ở Việt Nam đã thông qua Tuyên bố chung về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, nhằm khẳng định xu hướng không thể đảo ngược của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Tại đây lãnh đạo 11 nước thành viên còn lại đã đạt được thỏa thuận có ý nghĩa lịch sử về một TPP mới, gọi là “TPP bao trùm và tiến bộ”.