Nga-Mỹ không ủng hộ dừng bắn toàn cầu giữa "bão" COVID-19
- (NÓNG TUẦN QUA) Mỹ, WHO, Trung Quốc bất đồng về COVID-19
- Ông Putin vẫn lạc quan dù ca nhiễm COVID-19 tại Nga tăng kỷ lục
- Australia nói làm ngược lời khuyên của WHO để chống dịch COVID-19
Khả năng đạt được lệnh ngừng bắn toàn cầu là không cao do chưa nhận được sự ủng hộ của Mỹ và Nga. Ảnh: INT |
Sau lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Gutteres hồi tháng 3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây thúc đẩy nỗ lực đạt được một lệnh ngừng bắn toàn cầu và đã được Trung Quốc, Anh, Đức và các tổ chức lớn ủng hộ, Guardian ngày 19/4 đưa tin.
Tuy nhiên, một dự thảo nghị quyết do Pháp xây dựng chưa nhận được cái gật đầu từ cả Nga và Mỹ. Hai nước này là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và có thể phủ quyết mọi nghị quyết được nêu ra từ cơ quan quyền lực nhất LHQ này.
Theo Guardian, tại Mỹ, các quan chức ở cả Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao đều lo ngại rằng một lệnh ngừng bắn toàn diện do LHQ thông qua có thể cản trở cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở nước ngoài, ví dụ như chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq.
Giới chức Washington cũng cảnh báo một bước đi như vậy sẽ ngăn nước này tiến hành các hoạt động quân sự nhằm vào các mục tiêu đi ngược lợi ích cốt lõi của Mỹ. Mỹ gần đây nhiều lần cảnh báo tấn công các mục tiêu của Iran ở Trung Đông nếu Tehran có hành vi bị Mỹ xem là gây phương hại tới lợi ích của nước này.
Tương tự, Nga không muốn lệnh ngừng bắn được ban hành vì nó sẽ kìm hãm những nỗ lực chống khủng bố của Moscow ở Syria. Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đang kỳ vọng duy trì ưu thế cho quân đội Syria trong cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 10.
Với sự trợ giúp của Nga, Syria đã giành lại phần lớn lãnh thổ và đang đà đẩy lùi khủng bố ở khu vực biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ.
Thông tin về việc Mỹ và Nga không ủng hộ đề xuất Pháp xuất hiện vài ngày sau khi Tổng thống Pháp Macron nói ông đã trao đổi trực tiếp và nhận được sự ủng hộ về ý tưởng này từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Nhà lãnh đạo Pháp khẳng định ông chỉ còn chờ ý kiến của Nga, quốc gia còn lại trong số 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Tổng thống Macron tin tưởng động thái sẽ sớm nhận được sự ủng hộ của người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Theo Guardian, các cuộc đàm phán đang diễn ra để tháo gỡ thế bế tắc. Pháp được cho là sẵn sàng điều chỉnh dự thảo nghị quyết để đạt được đồng thuận của Nga và Mỹ.
Điện Kremlin cách đây vài ngày xác nhận các cuộc đàm phán đang diễn ra và cam kết sẽ công khai về sự việc khi "công việc hoàn tất". Bộ Ngoại giao Mỹ thì nhấn mạnh, dù vẫn ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thư ký Guterres, song lưu ý "chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh chống khủng bố hợp pháp của mình".
Ý tưởng về lệnh ngừng bắn toàn cầu lần đầu tiên được Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khởi xướng từ tháng 3. "Sự lây lan mạnh của COVID-19 giải thích cho sự điên rồ của chiến tranh… Đó là lý do tại sao hôm nay tôi kêu gọi một lệnh ngừng bắn toàn cầu ngay lập tức ở mọi ngõ ngách trên toàn thế giới", ông Guteres nhấn mạnh.
Một số quốc gia và phe phái tham gia các cuộc chiến trên thế giới sau đó hưởng ứng lời kêu gọi của ông Guterres, song chưa có một nghị quyết chính thức nào của Hội đồng Bảo an LHQ được ban hành.