Nga muốn cùng Mỹ kiểm soát vũ khí siêu vượt âm
- Nga đưa thành công tên lửa siêu vượt âm lên tiêm kích su-57
- Nga biên chế siêu tàu chiến mang tên lửa siêu vượt âm Zircon
- Nga triển khai vũ khí siêu vượt âm trên tiêm kích Su-57
Thông tấn Nga TASS ngày 19/2 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga từ năm ngoái đã đề xuất với chính quyền Mỹ của cựu Tổng thống Donald Trump về việc đưa vấn đề kiểm soát vũ khí siêu vượt âm vào New START, song chưa nhận được phản hồi.
Hình ảnh mô phỏng một vụ phóng tên lửa siêu vượt âm. Ảnh: INT |
Ông Lavrov tiết lộ, vấn đề này đã được nêu với tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc đối thoại gần đây. "Chúng tôi sẽ yêu cầu họ tiếp tục đàm phán, để xem chính quyền mới của ông Joe Biden sẽ thông báo cho chúng tôi về ý kiến của họ ra sao", Ngoại trưởng Nga nói.
Vẫn theo lời nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, New START hiện có nội dung kiểm soát một phần của vũ khí siêu vượt âm liên quan đến tên lửa đạn đạo. Hiện Nga là quốc gia đầu tiên triển khai vũ khí siêu vượt âm, gồm thiết bị lướt Avangard được trang bị như đầu đạn của tên lửa đạn đạo RS-28 Sarmat.
Tuy nhiên, do đặc tính kỹ thuật khác biệt của vũ khí siêu vượt âm, Nga và Mỹ vẫn chưa có các điều khoản ràng buộc để kiểm soát toàn diện loại vũ khí này. "Bây giờ chúng ta cần tích hợp những loại vũ khí đó vào hiệp ước (New START) và xem xem liệu nó sẽ được xác minh như thế nào", ông Lavrov nói.
New START là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ, được gia hạn hồi đầu tháng và có hiệu lực đến năm 2026. Theo hiệp ước, Nga và Mỹ được phép sở hữu không quá 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa, 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 thiết bị phóng.
Dưới thời ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ, Washington từng muốn viết lại New START với sự tham gia của Trung Quốc. Chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa nhắc đến vấn đề này. Theo Ngoại trưởng Nga, Moscow không có kế hoạch "thuyết phục Trung Quốc" tham gia các cuộc đàm phán.
Ông Lavrov đồng thời cho rằng, nếu vấn đề kiểm soát hạt nhân trở thành câu chuyện đàm phán đa phương, Anh và Pháp – hai cường quốc quân sự sở hữu vũ khí hạt nhân ở châu Âu – cũng cần tham gia.