Nga tuyên bố "rắn" sau khi Mỹ đòi quyền lợi thành viên thỏa thuận hạt nhân Iran
- Chống COVID-19 hiệu quả, Việt Nam trở thành địa chỉ tin cậy đối với giới đầu tư
- Cơ hội cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran thêm mong manh
- Tổng thống Nga, Pháp bắt tay cứu thỏa thuận hạt nhân Iran
Thỏa thuân hạt nhân Iran ngày càng mong manh trước áp lực của Mỹ. Ảnh: ITN |
"Thật nực cười. Họ (Mỹ) không còn là thành viên, họ không có quyền kích hoạt trở lại mọi biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) nhằm vào Iran", Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzia ngày 12/5 phát biểu, nhắc đến việc Mỹ mới đây đòi áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Tehran, Reuters đưa tin.
Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức, Anh và Pháp năm 2015 đặt bút ký thỏa thuận hạt nhân với Iran, trong đó Tehran chấp thuận từ bỏ nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào nước này.
Năm 2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi văn kiện, gọi đây là "thỏa thuận tồi tệ nhất" từng được ký dưới thời Barack Obama. Washington sau đó đơn phương áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận chống Iran.
Thỏa thuận hạt nhân Iran hiện đang đứng trước nguy cơ sụp đổ do Iran đã dừng tuân thủ nhiều cam kết trong văn kiện nhằm phản đối việc rút đi của Mỹ và việc các nước châu Âu không có bước đi nào thực hiện lời hứa giúp Tehran chống lại các lệnh trừng phạt.
Đáng chú ý, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Hội đồng Bảo an LHQ đã ra một nghị quyết, trong đó vẫn nêu Mỹ là một bên tham gia.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gần đây viện dẫn ngôn từ của nghị quyết này cho thấy dù Mỹ không thực hiện nghĩa vụ nào, nhưng họ vẫn có "quyền lợi dành cho thành viên". Quyền lợi được ông Pompeo ám chỉ là việc có thể kích hoạt nhanh chóng các biện pháp trừng phạt LHQ chống Iran.
Các nhà ngoại giao khẳng định Mỹ sẽ đối mặt với một vấn đề phức tạp nếu họ tìm cách kích hoạt trở lại các biện pháp trừng phạt, trong đó có lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Iran. Hiện vẫn chưa rõ bằng cách nào hoặc liệu một thành viên của Hội đồng Bảo an có thể ngăn chặn được nỗ lực của Mỹ hay không.
Cũng trong phát biểu của mình, ông Nebenzia kêu gọi Mỹ cân nhắc kĩ lưỡng trước khi hành động. "Việc kích hoạt trở lại chắc chắn sẽ đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận hạt nhân Iran. Các cuộc thanh sát của IAEA sẽ chấm dứt. Mỹ sẽ hưởng lợi từ điều đó chứ?", ông Nebenzia nói.