Nguy cơ chiến tranh từ cuộc xung đột Nga – Ukraine

09:53 29/11/2018
Lò lửa Crimea lại tiếp tục tăng nhiệt sau vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine ngày 25-11, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại rằng mối quan hệ hai nước vốn căng thẳng nay lại có thể đứng trước bờ vực của một cuộc xung đột toàn diện.


Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 27-11 nhận định rằng vụ đụng độ hôm 25-11 là một “sự kiện bất thường”. “Tôi không muốn bất cứ ai nghĩ đây là trò đùa. Ukraine đang đứng trước nguy cơ về một cuộc chiến toàn diện với Nga”, Tổng thống Poroshenko trả lời phỏng vấn Đài truyền hình quốc gia. 

Ông Poroshenko cũng cho biết số đơn vị quân sự Nga điều động tới vùng biên giới hai nước đang tăng đột biến, đặc biệt, số xe tăng đã gấp ba, dù không nói rõ thời gian diễn ra những động thái tăng cường quân sự trên. 

Trước đó, Tổng thống Poroshenko cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một cuộc điện đàm gần đây cam kết sẽ “hỗ trợ đầy đủ, trong đó có cả hỗ trợ quân sự” cho Ukraine sau sự việc hôm 25-11. Chính phủ Ukraine cũng đang xem xét hạn chế khả năng người Nga tới Ukraine trong quá trình thiết quân luật.

Nga được cho là đang tăng cường quân sự đáng kể tại khu vực giáp với Ukraine sau cuộc đụng độ hôm 25-11. Ảnh minh họa: Reuters

“Tình láng giềng” giữa Nga và Ukraine vốn căng thẳng lại càng thêm phức tạp trongvụ đụng độ tại eo biển Kerch, ngoài khơi Crimea xảy ra hôm 25-11 khi Nga nổ súng và bắt ba tàu của Kiev, gồm hai tàu pháo và một tàu kéo, cùng 24 thủy thủ. 

Ukraine và Nga đã lời qua tiếng lại về sự việc này, chỉ trích và cáo buộc đối phương vi phạm luật biển quốc tế. Eo biển Kerch là đường huyết mạch kinh tế quan trọng đối với Ukraine và nó cho phép tàu thuyền nước này tiếp cận biển Đen. 

Ngày 27-11, một tòa án ở thành phố Simferopol, Crimea ra lệnh giam giữ hai tháng đối với 12 trong số các thủy thủ Ukraine vừa bị bắt, chờ xét xử với cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nga. Những người này có thể bị giữ tại một trung tâm ở Simferopol cho tới ngày 25-1 năm sau. Phán quyết đối với 12 thủy thủ còn lại sẽ sớm được đưa ra.

Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu thông qua việc áp dụng tình trạng thiết quân luật từ ngày 28-11 ở một số khu vực trong vòng 30 ngày theo đề xuất khẩn cấp trước đó của Tổng thống Petro Poroshenko. Quyết định này cũng cho phép chính quyền Ukraine huy động công dân có kinh nghiệm chiến đấu, điều tiết truyền thông và hạn chế các cuộc biểu tình trong khu vực. 

Trong một tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh tình trạng thiết quân luật sẽ chỉ áp dụng ở các khu vực giáp giới với Nga, hoặc sát với các khu vực mà Nga triển khai binh sỹ, khu vực giáp với biển Azov và biển Đen cũng như một phần biên giới với Transnistria của Moldova, nơi có binh sỹ Nga đồn trú. 

Trước diễn biến này, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ quan ngại và hy vọng Berlin có thể can thiệp để “ngăn Ukraine không có thêm những hành động liều lĩnh”. 

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov lên tiếng rằng quyết định của Ukraine về việc áp dụng tình trạng thiết quân luật là nhằm che đậy cho mục đích chính trị, mặc dù ông nói thêm rằng đó là vấn đề nội bộ của Kiev. 

Không những thế, Moscow cáo buộc Kiev lên kế hoạch khiêu khích vụ va chạm hôm 25-11 nhằm tạo dựng sự ủng hộ cho ông Poroshenko trước thềm bầu cử 2019 và thuyết phục phương Tây trừng phạt Nga. Ông Putin nói động thái của Kiev “rõ ràng là vì chiến dịch bầu cử ở Ukraine”. 

Nhiều chuyên gia cũng nhận định Kiev có những tính toán chính trị khá rõ ràng trong vụ này, đó là làm gia tăng căng thẳng với Moscow và thu hút sự chú ý của các đồng minh, đối tác phương Tây cũng như sự ủng hộ của cử tri Ukraine trước thềm cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra. 

Cũng liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho rằng Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang gặp khó trong cuộc bầu cử tổng thống tại quốc gia Đông Âu này vào năm sau, theo TASS. Ông Medvedev nhận định, cuộc xung đột này có thể sẽ khiến Kiev hứng chịu thêm nhiều vấn đề về kinh tế.

Cộng đồng quốc tế ngày càng quan ngại và có những phản ứng khác nhau trước vụ việc. Trong cuộc họp khẩn cấp mới đây của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được tổ chức nhằm thảo luận biện pháp giảm leo thang căng thẳng sau vụ đối đầu giữa Nga và Ukraine, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã gọi sự kiện này là “sự leo thang bất cẩn của Nga” và yêu cầu Nga thả các thủy thủ Ukraine. 

Đại diện các nước EU tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có Pháp, Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển và Anh, cũng ra tuyên bố kêu gọi Nga khôi phục tự do đi lại ở eo biển Kerch. 

Đại diện cho nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), Ngoại trưởng Áo Karin Kneissi cũng nêu rõ EU sẽ cân nhắc bổ sung các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow, liên quan đến vụ đối đầu này. 

Mỹ và EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. EU sẽ phải sớm đưa ra quyết định về việc có gia hạn các lệnh trừng phạt hay không. EU cũng từng quyết định đóng băng các tài sản và ban hành lệnh cấm đi lại đối với các công dân Nga vì có liên quan tới vấn đề Ukraine. Vụ đụng độ mới nhất tại một trong những điểm nóng tranh chấp trên thế giới này diễn ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Argentina. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28-11 cũng cho biết cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề thượng đỉnh G20 có thể sẽ không diễn ra. 

Khác với một số lãnh đạo của châu Âu, ông Trump kiềm chế đổ lỗi cho bất kỳ bên nào và cho biết ông “không thích” tình hình căng thẳng như hiện nay và phản đối “hành động hung hăng”. Giới phân tích cho rằng nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ không gây sức ép với người đồng cấp Nga tại G20 liên quan đến vụ căng thẳng này.

Trong khi Tổng thống Ukraine cho biết đề xuất điện đàm của ông với người đồng cấp Nga ngay đêm xảy ra vụ đụng độ giữa hai lực lượng trên biển không nhận được phản hồi từ Moscow, Bộ Quốc phòng Nga ngày 28-11 đã tuyên bố về một sự tăng cường quân sự mới ở Crimea, cụ thể là việc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không S-400. 

Có thể thấy, lời cảnh báo về một cuộc xung đột toàn diện của Tổng thống Ukraine là hoàn toàn có cơ sở khi những diễn biến gần đây cho thấy tình hình này thật khó để sớm có một hướng giải quyết êm đẹp.

Duy Tiến

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文