Nhà khoa học Iran là "mục tiêu" của nhiều đời Thủ tướng Israel
Ô tô của Fakhrizadeh bị tấn công. Ảnh Times Israel. |
Vụ ám sát Fakhrizadeh, giáo sư Đại học Imam Hussein và quan chức cấp cao của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran, là “cao trào” trong một “kế hoạch chiến lược lâu dài của Israel” nhằm phá hoại chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, và tước đoạt của Tehran “một nguồn kiến thức không thể thay thế”, theo tờ Times Israel đưa tin.
Trang tin Channel 13 thậm chí đưa tin rằng nhà khoa học này từng là “mục tiêu” của nhiều thủ tướng Israel và một số giám đốc khác nhau của Mossad, cơ quan tình báo Israel chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo và các hoạt động bí mật, bao gồm cả các vụ ám sát và phá hoại ở nước ngoài.
Tờ Bưu điện Jerusalem đã so sánh vụ ám sát Fakhrizadeh với vụ giết ông trùm tội phạm Paul Castellano ở New York năm 1985, cho thấy vụ ám sát thể hiện “sức mạnh của những người có liên quan” và “bất kỳ người Iran nào có liên quan đến chương trình hạt nhân đều có thể bị tìm thấy và tiêu diệt”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chỉ đích danh Fakhrizadeh trong một bài thuyết trình tình báo vào năm 2018, kêu gọi cộng đồng quốc tế “ghi nhớ cái tên đó” và cáo buộc rằng nhà khoa học này là người đứng đầu một chương trình của Iran nhằm bí mật chế tạo bom hạt nhân.
Israel vẫn chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng xác thực nào về chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Iran, đồng thời, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế không tìm thấy bằng chứng nào về nỗ lực chế tạo bom nguyên tử của Iran sau năm 2003.
Các nhà lãnh đạo Iran luôn bác bỏ mọi cáo buộc chế tạo vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt dưới bất kỳ hình thức nào, Tehran đã tháo dỡ kho vũ khí hóa học của mình vào những năm 1990 trước khi gia nhập Công ước Vũ khí Hóa học.
Các quan chức Tehran cũng thường xuyên công kích Israel và Mỹ vì đã ‘thuyết giảng’ Iran về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân trong khi họ sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn.
Vụ ám sát Fakhrizadeh đã châm ngòi cho một sự leo thang căng thẳng lớn ở Trung Đông, khi Tehran thề sẽ trả thù và các quan chức cấp cao bao gồm Tổng thống Hassan Rouhani và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif cáo buộc Israel đứng đằng sau vụ việc.
Ngày 28/11, Iran đã gửi một lá thư tới Liên Hợp Quốc, trong đó họ cáo buộc rằng có “dấu hiệu nghiêm trọng về trách nhiệm của Israel” trong vụ ám sát, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an và Tổng thư ký lên án mạnh mẽ vụ giết người này. LHQ phản ứng bằng cách thúc giục “kiềm chế” và tránh “bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến leo thang căng thẳng”.
Iran vẫn chưa đưa ra bằng chứng về việc Israel có liên quan đến vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của mình và các quan chức Israel cũng không đưa ra bình luận chính thức nào.
Trong khi đó, truyền thông Israel đã đưa tin rằng các đại sứ quán của họ trên khắp thế giới đã được đặt trong tình trạng “báo động cao” sau vụ ám sát. Tờ Times Israel tin rằng Iran có thể có một số lựa chọn khác để “trả đũa”, bao gồm một cuộc tấn công tên lửa lớn, gia tăng chương trình hạt nhân và các cuộc tấn công vào Tel Aviv thông qua các chân rết ở Gaza, Syria và Lebanon.
Vụ ám sát Fakhrizadeh không phải là vụ giết nhà khoa học hạt nhân đầu tiên của Iran mà Tehran đã đổ lỗi cho Israel hoặc các cơ quan tình báo phương Tây. Theo một cuộc điều tra của Sputnik, ít nhất 7 nhà khoa học hạt nhân Iran đã bị nhắm mục tiêu trong các cuộc tấn công, mà một số vụ bị đổ lỗi cho Mossad, một số khác được cho là do CIA hoặc MI6 đứng đằng sau.
Cơn thịnh nộ bùng phát ở Tehran và các thành phố lớn khác của Iran về cái chết của Fakhrizadeh, khi những người biểu tình đốt cờ Mỹ và Israel, cũng như chân dung của Tổng thống Donald Trump và Tổng thống đắc cử Joe Biden, đồng thời yêu cầu ngừng đàm phán dưới bất kỳ hình thức nào với các cường quốc phương Tây.