Nhiều người Mỹ gửi thư xin lỗi đến Đại sứ quán Nga
Đại sứ quán Nga tại Washington DC, Mỹ. Ảnh Sputnik. |
Đầu tuần này, trong cuộc phỏng vấn với ABC News, ông Biden nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải “trả giá” liên quan đến cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 cũng như nghi án đầu độc nhân vật đối lập ở Nga.
Ngày 18/3, ông Putin đã ngỏ lời đề nghị tiến hành điện đàm với Tổng thống Mỹ. Bình luận về phát biểu của ông Biden, Tổng thống Nga đã đáp lại một cách thẳng thắn và gửi lời chúc sức khỏe đến người đồng cấp Mỹ.
Trong một bài đăng trên Facebook, Đại sứ quán Nga trích lời ông Antonov trong đó “bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất tới các công dân Mỹ đã gửi tới Đại sứ quán những lá thư ủng hộ sự phát triển của quan hệ hữu nghị giữa Nga và Mỹ. Nhiều người bày tỏ sự không đồng tình và xin lỗi vì những tuyên bố thiếu cân nhắc về Liên bang Nga được đưa ra gần đây từ Washington”.
Bài đăng trích dẫn lời đại sứ cho biết, ông “vô cùng cảm động trước sự quan tâm tích cực của những người Mỹ, những người hiểu rằng đối thoại giữa hai nước nên dựa trên sự tôn trọng và bình đẳng lẫn nhau. Cách tiếp cận này của các công dân Mỹ chỉ ra rằng tiềm năng bình thường hóa quan hệ giữa hai bên vẫn còn đó”. Đại sứ Nga hy vọng rằng “Chính quyền Mỹ sẽ chú ý đến tiếng nói của cử tri và ngừng hoạt động nhằm mục đích tàn phá thêm các mối quan hệ vốn đã ở mức đối đầu nghiêm trọng”.
Moscow đã triệu hồi Đại sứ Antonov để tham vấn sau phát biểu của ông Biden nhằm phân tích những việc cần làm trong bối cảnh quan hệ với Mỹ đang xấu đi. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng bình luận của ông Biden là “tuyên bố rất tồi tệ” và lưu ý rằng Nga cho rằng Tổng thống Mỹ chắc chắn không tìm cách hàn gắn quan hệ.
Hồi năm 1998, Nga cũng từng triệu hồi đại sứ tại Mỹ để đáp trả các cuộc không kích của Mỹ-Anh vào Iraq. Mỹ cũng triệu hồi đại sứ tại Moscow vào năm 1934 và năm 1980.
Truyền thông Mỹ đưa tin rằng chính quyền Mỹ có thể sớm áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến cáo buộc can thiệp bầu cử. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt khác được chính quyền Biden áp đặt gần đây đối với vụ đầu độc nhân vật đối lập tại Nga, Alexey Navalny.