Nhiều nước lên tiếng về lệnh trừng phạt của HĐBALHQ với Triều Tiên
Trung Quốc nêu rõ biện pháp trừng phạt là cần thiết để đối phó với Triều Tiên, song “chắc chắn” không phải là mục đích cuối cùng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 |
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có bài phát biểu hoan nghênh nỗ lực mới của HĐBALHQ. Theo ông Abe, việc cấm Triều Tiên xuất khẩu than và sắt cũng như một số mặt hàng chủ chốt khác của nước này "rõ ràng chứng tỏ ý định của cộng đồng quốc tế nhằm gia tăng sức ép (lên Triều Tiên) ở một cấp độ cao hơn."
Phát biểu bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50, đang diễn ra tại Manila (Philippines), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh những biện pháp trừng phạt là cần thiết để đối phó với Triều Tiên, song “chắc chắn” không phải là mục đích cuối cùng.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá cao việc Nga và Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết do Mỹ soạn thảo nhằm tăng cường trừng phạt Triều Tiên.
Tuyên bố do Nhà Trắng đưa ra sau khi HĐBALHQ thông qua nghị quyết trên cũng khẳng định chính quyền của ông Trump sẽ tiếp tục hợp tác với các nước đồng minh và đối tác nhằm gia tăng sức ép về ngoại giao và kinh tế đối với Bình Nhưỡng.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vasily Nebenzya cũng nhấn mạnh cần có một chiến lược chính trị để giải quyết chương trình hạt nhân của Triều Tiên vì những biện pháp trừng phạt là không đủ.
Ông Nebenzya cho rằng các biện pháp trừng phạt không được dùng để “bóp nghẹt” nền kinh tế Triều Tiên hoặc cố ý làm trầm trọng hơn tình hình nhân đạo, thay vào đó là "một công cụ" khiến nước này tham gia các cuộc đàm phán mang tính xây dựng.
Ở một diễn biến khác, Triều Tiên đã có phản ứng đầu tiên với nghị quyết trừng phạt của HĐBALHQ. Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap trích dẫn một bài viết đăng trên nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 6-8 đã cảnh báo Mỹ sẽ tự hủy hoại chính mình nếu có bất kỳ hành động hạt nhân hay biện pháp trừng phạt nào chống Bình Nhưỡng.
Ngày 6-8, HĐBALHQ đã nhất trí đưa ra nghị quyết trừng phạt tăng cường đối với Triều Tiên, nhằm vào một số ngành xuất khẩu chủ lực của nước này như than đá và sắt, làm thiệt hại kinh tế có thể lên đến hơn 1 tỷ USD, chiếm một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Ngoài ra, trong phạm vi của nghị quyết mới này, nhiều kế hoạch và dự án kinh doanh mới có liên quan đến Triều Tiên cũng sẽ bị ảnh hưởng hoặc tạm ngừng.