Nhìn lại 10 ngày Ấn Độ nếm trải “sóng thần” COVID-19
- Ấn Độ trải qua ngày kinh hoàng với gần 3.700 người tử vong
- Quân đội Campuchia triển khai tiêm vaccine cho nửa triệu người ở "vùng đỏ"
- Ấn Độ chật vật vì thiếu vaccine ngừa COVID-19
Những con số quặn lòng
Ngày 2/5 được coi là ngày chết chóc nhất của Ấn Độ kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, với 3.689 trường hợp tử vong vì dịch bệnh. Hiện, đại dịch COVID-19 đã khiến 215.542 người tử vong ở quốc gia Nam Á này. Các bệnh viện, nhà xác và lò hỏa táng ở Ấn Độ đều rơi vào tình trạng quá tải khi nước này ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày trong 10 ngày liên tiếp. Cơn sóng thần mang tên COVID-19, thực chất, đã đổ bộ Ấn Độ từ ngày 22/4, ngày đầu tiên Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới vượt 300.000 ca.
Tờ India Today mô tả: “Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng y tế trên toàn quốc”. Lời mô tả đã mở đầu cho chuỗi ngày Ấn Độ tự mình phá kỷ lục COVID-19, với những dòng tin xuất hiện dày đặc trên mặt báo như “số ca nhiễm tăng mạnh”, “số ca tử vong cao chưa từng thấy”. Từ một quốc gia tưởng như kìm đà hiệu quả, Ấn Độ nhanh chóng trở thành “tâm chấn”, buộc nhiều nước phải tạm hoãn đường bay với Ấn Độ để đảm bảo an toàn. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi hệ thống y tế Ấn Độ không đủ sức đối phó với làn sóng dịch bệnh mới.
Làn sóng COVID-19 lần thứ hai đã gây nên thảm kịch tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters |
“Mọi thứ đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Oxy cạn kiệt. Rất khó để tìm giường bệnh. Không thể làm xét nghiệm vì phải chờ đợi hơn một tuần lễ. Hệ thống y tế gần như sụp đổ”, Ramanan Laxminarayan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch bệnh tại New Delhi, cho biết.
Tình trạng thiếu oxy đã kéo theo cuộc khủng hoảng mới, khi chính các lò hỏa táng tại Ấn Độ cũng bị quá tải. Ở Surat, bang miền Tây Gujarat, một cơ sở hỏa táng đóng cửa 15 năm qua đã được mở trở lại vì thành phố này hết chỗ hỏa thiêu bệnh nhân tử vong do COVID-19. Ngày 28/4, các địa điểm hỏa táng ở thủ đô New Delhi buộc phải dựng thêm các giàn thiêu tạm thời. Công viên và nhiều không gian trống khác cũng được trưng dụng để hỏa táng bệnh nhân tử vong.
“Ngọn lửa chết chóc tiếp tục lan rộng” là dòng tiêu đề xuất hiện dày đặc trên các mặt báo khi nói về bi kịch COVID-19 của Ấn Độ. Thậm chí, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã phải dùng cụm từ “vô cùng thương tâm” để mô tả tình hình dịch bệnh tại quốc gia này.
Cũng trong ngày 28/4, Ấn Độ xác nhận số ca COVID-19 đã vượt 18 triệu ca. Để rồi chỉ 3 ngày sau, ngày 1/5, Ấn Độ lần đầu tiên ghi nhận hơn 400.000 ca nhiễm COVID-19 mới, mức cao nhất từ trước đến nay ở nước này cũng như trên thế giới. Trong khi đó, trạng thiếu vaccine COVID-19 lại diễn ra rất nghiêm trọng ở quốc gia Nam Á này - nơi được coi là trung tâm sản xuất vaccine lớn nhất của thế giới.
Ấn Độ dự kiến ngày 1/5 bắt đầu mở rộng chương trình tiêm phòng COVID-19 đến những người từ 18-45 tuổi, tuy nhiên nhiều bang đã thông báo chưa thể triển khai vào thời điểm này vì không có sẵn vaccine trong kho và phải ưu tiên tiêm liều thứ hai cho những người trên 45 tuổi. Dự báo, các trung tâm tiêm phòng vaccine Ấn Độ sẽ chứng kiến tình trạng thiếu vaccine trong những ngày tới.
Những cảnh báo bị phớt lờ?
Chứng kiến cơn sóng thần COVID-19 càn quét Ấn Độ trong 10 ngày qua, câu hỏi được đặt ra nhiều nhất chính là: Vì sao Ấn Độ “vỡ trận”? Các nhà khoa học lý giải, số ca COVID-19 gia tăng ở Ấn Độ có thể do sự xuất hiện của biến thể kép mới của virus SARS-CoV-2 có tên B.1.617. Biến thể này chứa hai đột biến đáng lo ngại là E484Q và L425R có tốc độ lây lan rất nhanh. WHO cũng xác nhận phát hiện đột biến này trong nhiều ca mắc mới gần đây tại Ấn Độ.
Song, các chuyên gia y tế lại nhận định, làn sóng dịch lan nhanh có thể do thói quen sinh hoạt, tụ tập lễ hội của người dân. Trên thực tế, số ca mắc mới tính theo ngày tại Ấn Độ trong tháng 2 vừa qua đã giảm gần 90% so với giai đoạn đỉnh dịch trong năm 2020. Với đường cong dịch tễ đi xuống, Ấn Độ dường như đã kiểm soát thành công đại dịch COVID-19. Sau khi các ca nhiễm mới giảm xuống mức dưới 10.000 ca/ngày, Ấn Độ đã cho phép tổ chức các cuộc tụ họp tôn giáo và chính trị lớn, trong khi thiếu kế hoạch cải thiện hệ thống y tế. Vì thế, khi dịch bệnh lan nhanh, các bệnh viện không thể đối phó với lượng bệnh nhân quá đông.
Đáng chú ý, mặc dù đang là “tâm chấn” COVID-19, song Ấn Độ lại không tiến hành phong tỏa toàn quốc, mà chỉ áp dụng phong tỏa theo khu vực. Tháng trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhấn mạnh sẽ dồn toàn bộ nỗ lực chống dịch để tránh kịch bản phong tỏa lần hai, do lo ngại đợt phong tỏa mới sẽ tác động rất tiêu cực đến nền kinh tế trong nước, như những gì đã xảy ra với đợt phong tỏa trước đó, khi sản lượng kinh tế giảm kỷ lục 24% trong 3 tháng.
Trong khi đó, Reuters ngày 2/5 dẫn nguồn tin khoa học cho biết, nhiều khả năng chính phủ Ấn Độ đã phớt lờ cảnh báo của các chuyên gia, dẫn đến tình huống vỡ trận vì dịch bệnh như hiện nay.
Theo đó, một nhóm cố vấn khoa học do chính phủ Ấn Độ thành lập có tên Hiệp hội Di truyền học SARS-CoV-2, hay INSACOG, lần đầu phát hiện B.1.617, hiện được gọi là biến thể virus ở Ấn Độ, vào đầu tháng 2, Ajay Parida, Giám đốc Viện Khoa học Đời sống của nhà nước và là thành viên INSACOG, cho hay, INSACOG đã chia sẻ phát hiện với Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia (NCDC) của Bộ Y tế trước ngày 10/3, cảnh báo ca nhiễm có thể nhanh chóng gia tăng trên cả nước.
Cùng thời gian đó, INSACOG bắt đầu chuẩn bị dự thảo thông cáo truyền thông cho Bộ Y tế, trong đó nêu rõ các đột biến E484Q và L452R là "mối lo ngại lớn", nhấn mạnh các biến thể có thể dễ dàng xâm nhập vào tế bào người và chống lại phản ứng miễn dịch của một người.
Bộ Y tế Ấn Độ đã công bố các phát hiện vào 24/3, nhưng lại loại bỏ cụm từ "mối lo ngại lớn", chỉ nói rằng có nhiều biến thể hơn và cần tăng cường các biện pháp đã được tiến hành, gồm xét nghiệm và cách ly. Điều này phải chăng đã khiến người dân Ấn Độ thờ ơ với sức tàn phá của làn sóng dịch bệnh lần này?
Số liệu không nói dối. Những con số ghi lại tốc độ lây lan của COVID-19 trong 10 ngày qua tại Ấn Độ đủ phác họa bức tranh kinh hoàng mà cơn sóng thần này gây ra với quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Đây có thể coi là lời cảnh tỉnh với Ấn Độ cũng như các quốc gia khác trong việc kiểm soát dịch hiệu quả ngay từ những bước đầu tiên, nhằm tránh những kịch bản đau lòng từ đại dịch.